Khi gặp gỡ và trò chuyện cùng đứa em họ nhà ngoại gần đây, tôi thấy nó vô cùng thần tượng mấy rapper trẻ, nổi lên sau các chương trình Rap Việt, King of Rap,… khá giống bản thân tôi những năm tháng cùng lứa tuổi.
Hồi đó rap còn là một trào lưu mới hội nhập vào Việt Nam và nếu biết đến thể loại nhạc này thì hẳn là phải rất thân thuộc với những bài rap bẩn nói chung, hay cụ thể là rap diss hay rap gang. Nhưng càng những bài hùng hồn, mạnh miệng như thế lại gây hứng thú với một đứa học sinh cuối cấp 2. Bởi tâm lý thích thể hiện, càng găng-x-tơ, càng máu chiến thì tôi càng thích nghe và khoe với đám bạn.
Nhớ lại thời gian đó, việc chửi bậy nằm trong tiềm thức và luôn luôn chỉ chực chờ buông ra khỏi lưỡi đứa trẻ như tôi. Những lần như thế tôi cũng buồn, thực sự buồn, vì ở nhà mọi người luôn nghĩ tôi là một đứa trẻ ngoan, rụt rè. Nhưng những khi thu mình trong phòng, tôi lại chọn loại nhạc nổi loạn để bù đắp những ánh nhìn đó. (Đúng vậy, con người chúng ta luôn mong mỏi tìm thứ gì đó để cân bằng những thiếu sót của bản thân: Một cô gái yếu đuối lại thích trong tay với một anh chàng bad boy, chơi bời chẳng hạn…)
Tôi thấy mình vô cùng may mắn vì trượt ngôi trường cấp 3 yêu thích. Nhờ đó tôi quyết định bỏ game, bỏ chửi bậy, và bỏ mọi thứ mà bản thân nghĩ không lành mạnh để chỉ tập trung học tập thôi… nên tôi bỏ luôn nghe rap tục. Cũng nhờ đó mà tôi nhìn ra được ảnh hưởng của thể loại rap bẩn với mình trong quá khứ tệ thế nào, và quyết định đó đã giúp đỡ rất nhiều trong việc phát triển nhân cách.
Khi không phải thường xuyên thụ động nghe những ngôn từ tục tĩu, bộ não cũng dần quên chúng đi. Mặc dù cũng kha khá lần tôi buột miệng với đám bạn và thấy không vui nhưng đó là dấu hiệu cho một tâm hồn được gột rửa. Vậy là tôi đã rèn việc không chửi bậy từ hồi cấp 3 tới giờ, cũng là từ ngày quyết định không nghe rap bẩn, thấm thoát đã 10 năm. Cho đến nay thì chỉ còn đọng lại một cảm xúc, đó là biết ơn chính mình.
Bây giờ nhìn sang đứa em, tôi có thể hiểu tại sao nó cứ mở điện thoại lên là lại thu nạp thứ âm nhạc này. Tôi hiểu nó sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ ra sao khi những ngôn từ đường phố trở thành niềm đáng tự hào, và việc những rapper lạm dụng ngôn từ đường phố ấy trở thành thần tượng của giới trẻ Việt. Tôi bắt đầu nghĩ về khái niệm “thần tượng“, liệu có cần rạch ròi định nghĩa nó như một danh từ tích cực thôi hay “thần tượng” còn có thể bao gồm cả những nhân vật ảnh hưởng xấu nữa?
Vậy, thần tượng là gì?
Ngay trong cấu phần từ này ta đã có thể nhận thấy ý nghĩa ẩn sau: Thần tượng là một hình tượng được dựng lên theo các vị thần để tôn vinh họ. Khi được dùng cho một người, thì ý muốn nói người này vô cùng được kính trọng vì khả năng hay đạo đức.

Vì sao chúng ta lại thần tượng người khác?
Tất cả những người đem lại chúng ta sự ngưỡng mộ nhất định đều có thể trở thành thần tượng. Thần tượng đem lại cho chúng ta những động lực trong cuộc sống vì họ là tượng trưng cho những mong cầu, phấn đấu chúng ta của hiện tại chưa có được.

Tuy nhiên, đặc biệt với giới trẻ, còn một điều đặc trưng khiến họ thần tượng người khác là bởi vì mong muốn được thể hiện mình. Họ thần tượng ca sĩ này là bởi vì ai cũng biết đến anh ấy nên “mình phải thể hiện là mình biết để không bị quê”; họ thần tượng diễn viên này vì phong cách anh ấy thật chất nên ắt hẳn những người hâm mộ của ảnh cũng sẽ thật chất. Vậy nên những rapper nổi loạn cũng thu hút vô số người hâm mộ trẻ vì “tuổi trẻ là phải nghịch thì mới đáng”.
Đúng vậy, tuổi trẻ luôn khát khao thể hiện mình. Đó là ngọn lửa đã cháy sẵn trong lòng người trẻ. Nay âm nhạc đường phố xuất hiện chỉ như là một chất xúc tác thổi bùng ngọn lửa đó thôi, nên chẳng thể trách giới trẻ sao mê mẩn dòng nhạc này quá. Chỉ mong các bạn ấy hiểu, thế nào mới xứng là thần tượng.
>>> Có thể bạn sẽ thích: 3 điều giúp thay đổi bản thân để tốt hơn: Đặt xuống chiếc mặt nạ
Vì sao tôi không còn thần tượng ai?
Thực tế thì tôi vẫn còn 1 thần tượng. Người này tôi hứa sẽ bật mí ở phía sau.
Vì sao tôi không còn thần tượng ai à?
Thứ nhất là vì con người, ai cũng có những khiếm khuyết cả.
Việc thần tượng một ai đó, sẽ khiến chúng ta bị thiên lệch, đánh giá ai đó thiếu khách quan. Trước kia có 2 nhân vật tôi thần tượng nhất đó là Jim Carrey và Cristiano Ronaldo.
Tôi yêu Jim Carrey vì khả năng diễn hài của chàng “rubber face” và những bài phát biểu truyền cảm hứng vô cùng đáng suy ngẫm. Còn ở Ronaldo, đơn giản vì tôi yêu thích sự màu mè của tiền vệ cánh người Bồ trong màu áo Manchester United – câu lạc bộ yêu thích.
Vì thần tượng họ nên tôi luôn chỉ muốn tung hô những điểm mạnh và bào chữa cho những điều chưa được của họ. Việc này có thể gây ức chế cho những người giao tiếp với bạn vì quan điểm của chúng ta có thể trở nên cực đoan khi nói về những nhân vật hay chủ đề liên quan. Ví dụ, nói về bóng đá, ngoài tung hô Ronaldo, nhiều bạn sẽ lôi Messi vào cuộc trò chuyện và nâng cao Ronaldo bằng cách dìm Messi xuống. Thật không dễ chịu chút nào!
Sau này khi không còn tôn 2 người này lên mức thần tượng nữa tôi mới nhận ra những góc khuất khác mình cần nhìn nhận khách quan hơn. Jim Carrey quá lạm dụng những khả năng đóng giả người nổi tiếng nên đôi khi diễn rất xàm. Còn Ronaldo thì nhiều khi lại quá ích kỷ trên sân bóng, làm ảnh hưởng tới đội bóng và đồng đội.
Bạn là thần tượng của chính mình
Không biết từ bao giờ tôi phát triển được thói quen “self-talk” hay “tự nói chuyện với bản thân”: Tôi đóng vai trò như người kể chuyện rồi cũng chính là người lắng nghe, khuyên bảo.
Trong những cuộc trò chuyện với chính mình, tôi cũng có cái nhìn nhận rõ hơn về năng lực và tính cách của mình. Như thể tôi tìm ra được một chân trời bao la khuất sau dãy núi vậy.
Những suy nghĩ nghiêm túc đưa tôi đến những câu chuyện mà bản thân đã lỡ bỏ qua trong quá khứ. Lục lọi, bới tung chúng lên thì mới thấy là: À! Mình cũng có những câu chuyện truyền cảm hứng riêng đó chứ!
Nhớ lại, đến nay vẫn thấy trong lòng rung lên vì tự hào. Ví dụ như việc dọn về ở với ông bà ngoại những năm cuối cấp 2 cho tới đầu lớp 12, ngoảnh lại mới thấy, đúng là một kỳ tích. Đã có nhiều cơ hội cho tôi được bay nhảy, chơi bời thời gian này, nhưng tôi không chọn làm những điều đó mà lại chăm học hơn. Thật đáng tuyên dương!
Đôi khi tôi tự nhắc về một “tôi” bản lĩnh như vậy để thêm phần tự tin trước các quyết định nào đó trong đời, rằng sẽ chẳng có cám dỗ nào biến tôi trở thành một thằng sống buông thả, lêu lổng trong tương lai vì tôi luôn trân trọng những di sản “tôi” đã làm được trong quá khứ!

>>> Đọc thêm: Giết chết những suy nghĩ tiêu cực bằng sự tự tin vào thế mạnh của bản thân
Thực ra thì còn nhiều câu chuyện tự động viên khác chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong quá khứ. Bạn sẽ bất ngờ nếu so sánh bạn của hiện tại quá thiếu kiên nhẫn cho việc hoàn thành một bài báo giáo dục, nhưng khi vặn ngược thời gian để quay trở lại những ngày tháng ôn thi, bạn nhận ra mình đã từng dành cả buổi tối, lấn sang cả đêm muộn để ôn bài. Hay mất cả mấy ngày trời quên ăn quên ngủ mà hoàn thành đồ án. Chúng ta luôn là những động lực của chính mình. Chỉ là đôi khi ta quên không nhắc nhở bản thân về những “thần kỳ” đó mà thôi!
Vậy nên, hãy luôn nhìn nhận đúng về bản thân. Thần tượng của các bạn chẳng ở đâu xa. Nó là chính bạn đây này! Hãy trân trọng bản thân, và ngày một tiến bộ hơn nữa để không phải hổ thẹn với một “bạn” rất đáng ngưỡng mộ trước kia, một “bạn” từng “gọi dạ bảo vâng” trong gia đình, một “bạn” từng đam mê vẽ tranh đến độ dành cả cuối tuần để vẽ trang bìa sách có hình siêu Saiyan Songoku, một “bạn” đã đạt thành tích cao khi đi thi học sinh giỏi cấp huyện, quận, thành phố, tỉnh, cả nước,…
Hãy thần tượng chính mình!
>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu #chcc! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của mình và mong muốn góp ý, mình viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do chụp ảnh đen trắng của mình Một là, ảnh [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, mình sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3