Background chụp hình là thứ ai khi cầm lên chiếc máy ảnh hay điện thoại cũng quan tâm. Quan tâm không phải bởi vì chúng ta cần nó đẹp, mà quan tâm bởi vì nó có thể làm đẹp cho nhân vật chính như thế nào.

Ảnh bìa cho bài viết Background chụp hình

Ngoài kia có vô vàn ý tưởng để bạn tận dụng background cho chụp chân dung người thân, bạn bè, hay thậm chí là selfie. Nếu bạn đang tìm một bài viết toàn diện nhất về cách sắp xếp, bố trí khi chụp các loại background, mẹo chọn địa điểm có background đẹp, những lưu ý khi chụp,… thì tôi xin phép bởi mình cần giữ chân bạn một hồi lâu ở bài viết này rồi. Nếu thấy dài quá thì đừng quên lưu lại hoặc chia sẻ facebook hay pin về pinterest để dùng sau này nhé!

Thôi dài dòng, trước tiên chúng ta cần hiểu về background đã nhỉ!

A. Background là gì?

Trước tiên mình sẽ phải xin lỗi những bạn đang hi vọng mình đưa ra đây một định nghĩa trong từ điển. Vì đây không phải là một tiết học ngôn ngữ nên mình sẽ bỏ qua sự giúp đỡ của Oxford Dictionaries hay Cambridge Dictionaries nha.

Thay vào đó, mình sẽ trích định nghĩa background trong nhiếp ảnh bởi Photokonnexion.com:

“Trong nhiếp ảnh, background là một phần của toàn bộ khung hình. Nó ở phía sau chủ thể chính của bức ảnh. “

Thực tế, ở tiếng Việt background được định nghĩa là “hậu cảnh”. Nhưng vì mọi người quen thuộc hơn khi gọi background nên trong bài viết này mình cũng xin phép được dùng bằng từ tiếng Anh này.

B. Vì sao việc quan tâm đến background chụp hình rất quan trọng?

Phần lớn các bức ảnh đều có một background. Do đó, thay vì cố loại bỏ nó để rồi bị ảnh hưởng đến vẻ đẹp toàn khung hình, tại sao chúng ta không làm lành và tận dụng nó bổ trợ thêm vẻ đẹp cho chủ thể?

Làm đẹp như thế nào thì cùng mình khám phá trong những phần tới nhé!

C. Những loại background chụp hình

1. Background Texture / Background Retro / Background vintage

Mình muốn gộp chung Texture và retro hay vintage vào làm một mục vì chúng có đôi điểm tương đồng.

Trước tiên nói đến Texture, nó là dạng background có kết cấu đơn giản nhưng lộn xộn. Ví du như những tấm giấy nhàu có những nét nhàu nhỏ nhưng hay ho, hay những vết xước trên mặt kính, mặt gỗ,…

Background texture
Credit: Antoine Merour | Unsplash

Vì đặc điểm như vậy nên thường background texture mang chất retro.

Cũng nhờ những cấu phần nhỏ và lộn xộn vậy nên nó không cuốn quá nhiều ánh mắt. Kết quả là chủ thể được nổi bật hơn.

2. Background pattern

Khác hẳn với background texture, loại pattern vô cùng có tổ chức. Chúng thường có dạng hình học hoặc hoa văn có tỉ lệ đẹp và lặp đi lặp lại.

Background pattern chụp hình
Credit: George Pagan | Unsplash

Các pattern rất đẹp nên khi dùng cần tính toán kĩ càng xem nên làm cách nào để nó không chiếm hết sự thu hút của chủ thể. Làm thế nào thì mình sẽ nói ở mục ngay sau nhé!

3. Background 1 màu (phổ biến trong background studio)

Nghe cái tên chắc các bạn đã đoán ngay ra rồi. Loại background này giúp chủ thể được nổi bật vì mọi thứ được tối giản hết sức.

Cô gái áo đỏ xinh đẹp trên phông nền trắng
Credit: Andrey Zvyagintsev | Unsplash

4. Background ngoài tự nhiên

Ngoài kia đầy rẫy những ý tưởng nhiếp ảnh cho bạn, đặc biệt là khi bạn đang tìm kiếm một background gần gũi với mẹ thiên nhiên nhất. Đó là cây là hoa, những bờ tường, bầu trời,… Mình sẽ đi qua tất cả ở phần D của bài viết.

Bố con người dân tộc trên núi Fansipan
Fansipan – Lào Cai 10/2020, FujicolorC200 Outdate 2013

>>> Có thể bạn quan tâm: Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh

D. 4 mẹo sắp xếp, bố trí khi chụp các loại background chụp hình khác nhau

Nhận biết các loại background không khó, nhưng áp dụng chúng thế nào thì lại là một vấn đề. Rất may là phần dưới đây sẽ cho bạn chìa khóa giải quyết vấn đề đó.

1. Lựa chọn ống kính góc rộng, ống kính góc hẹp thế nào khi chụp chân dung?

Ống kính góc rộng nên được sử dụng nếu bạn đang tính đến việc chụp một bức chân dung có gồm không gian thiên nhiên, nhiếp ảnh tư liệu, thời trang, hoặc muốn tôn dáng.

Ống kính góc hẹp (thực ra mình không dùng từ này nhưng dùng góc hẹp ở đây để mọi người dễ hiểu hơn) hay ông kính có tiêu cự dài được dùng để lấy càng ít background càng tốt. Ống kính góc hẹp còn có lợi thế lớn là xóa phông tốt nên chụp nửa thân hoặc chụp cận (close-up) rất tốt.

Bonus: Ống kính góc hẹp với khẩu độ mở lớn là một trong số 8 cách tạo chiều sâu cho ảnh.

chân dung 2 mẹ con ngồi trên đá
Cửa Tử – Thái Nguyên 6/2020, Kodak Eterna 500T

2. Tận dụng ánh sáng tự nhiên

Những nhiếp ảnh gia truyền thống yêu mọi thứ liên quan đến tự nhiên. Ắt hẳn có điều gì đó có lý đằng sau sự lựa chọn của họ.

Nhiều người cho rằng ánh sáng tự nhiên là thứ ánh sáng đem lại kết quả hài lòng nhất cho bức ảnh của họ bởi những yếu tố kĩ thuật xoay quanh. Còn chúng ta không nhất thiết phải hiểu sâu đến thế để biết rằng thôi trời cho ánh sáng thì cứ tận dụng chứ giờ học cách dùng fill-in flash hay bounce flash thì nhọc.

Vậy thì có những lời khuyên bạn cần lưu ý dưới đây.

– Khi chụp ngoài trời:

Chân dung bác gái trên film đen trắng
Tây Tựu- Hà Nội 1/2020, Kodak Eterna RDS Iso 6

Trong một ngày trời nắng gắt, bạn không muốn có những con mắt nheo lại vì nắng trông thật lố bịch. Vì vậy hãy chụp trong khoảng giờ vàng nhiếp ảnh (golden hours). Giờ vàng là khoảng thời gian 1 giờ sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn.

Ngoài ra bạn có một lựa chọn khác để loại bỏ ánh sáng gắt đó là chụp trong bóng râm hoặc trong nhà.

– Chụp trong bóng râm hoặc trong nhà:

Để mẫu ngồi gần nguồn sáng như cửa sổ hay lối ra vào để tránh việc thiếu sáng dẫn đến rung hình.

Bên cạnh đó, cân nhắc việc để chủ thể ở vùng có ánh sáng đi qua từ các kẽ lá hay khe hở của ngôi nhà. Điều này giúp tăng tương phản, làm nổi bật thêm chủ thể.

Chân dung thanh niên trên ảnh film
Đại học Kiến Trúc 9/2020, Kodak Eterna RDS Iso 6

3. Phối đồ trên nền background một màu

– Phối đồ cùng màu background:

Việc này sẽ khiến cả phần đồ bị chìm cùng vào background, làm nổi bật khuôn mặt của chủ thể.

Dĩ nhiên là cũng phải cân nhắc nếu mẫu có làn da sáng thì nên dùng background và đồ tối màu và ngược lại.

Chân dung cô gái trên nền đen
Credit: Allef Vinicius | Unsplash

– Phối đồ tương phản với background:

Nếu bạn muốn toàn thân của mẫu nổi bật hẳn lên thì đây là lựa chọn khôn ngoan.

Anh chân dung cô gái trên nền background xanh
Credit: Fezbot2000 | Unsplash

4. Background cây cối

Rất dễ để có thể chụp được một background cây cối dù bạn có ở thành thị hay nông thôn.

Vậy có những lưu ý nào để tận dụng được nó?

– Đón nắng xuyên qua các kẽ lá để làm nổi bật chủ thể trên nền background lá cây.

Chân cô gái trên film đen trắng
Công viên Thống Nhất 12/2020, Kodak Eterna RDS Iso 6

– Nếu chụp ngược sáng thì dùng flash hoặc hắt sáng để làm sáng chủ thể. Những ánh sáng này có thể tạo bokeh rất đẹp.

Chân dung cô gái trên ảnh film slide
Hồ Linh Đàm – Hà Nội 6/2020, Kodak Slide E100

>>> Bài viết cùng chủ đề: Golden Ratio/Tỉ lệ vàng trong nhiếp ảnh: Toán học thì liên quan gì đến nhiếp ảnh chứ?

E. Mẹo chọn địa điểm có background đẹp để chụp ảnh

1. Background studio

Dĩ nhiên đây là lựa chọn đơn giản nhất. Việc khó duy nhất có lẽ chỉ là chi tiền ra thôi. Nhưng được cái bạn chẳng phải lo gì về việc bố trí cả. Cứ để họ lo.

Bạn muốn background đẹp đơn giản, background dễ hương, background hoa hồng, background Giáng Sinh, background wedding, background hồng, background đỏ, background trắng, hay bất cứ màu mè nào khác. Bravo!! Họ có hết.

Nhưng chẳng thú vị tẹo nào nếu ta không được sáng tạo phải không nào? Vậy những địa điểm dưới đây sẽ tạo điều kiện cho sự sáng tạo của bạn bay cao nhé!

2. Cánh đồng

Nhiều loại đồng lắm nhưng mình gợi ý kiểu bạn có thể dễ dàng tìm thấy ngay ngoại thành Hà Nội đây thôi. Ngay chỗ mình đang sinh sống luôn ấy, nên là bạn nào có thắc mắc thì đừng ngại contact mình chỉ cho nhé!

Trước khi nói đến chúng thì ta cũng cần phải ghi nhớ rằng chụp vào đúng vụ sẽ luôn đáng nhớ hơn rất nhiều.

– Background lúa:

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Huỳnh Hoa (@huynhhoa0209)

Vào mùa lúa chín bạn sẽ mong mình có một bức hình mà bản thân nổi bật trên cánh đồng bao la màu vàng. Khi đó bạn sẽ nghĩ tới một bộ đồ màu tím vì vàng và tím đối diện nhau trong vòng tròn màu sắc.

– Background hoa:

Chân dung chàng trên chụp hình với hoa
Tây Tựu – Hà Nội 2/2020, Fuji Superia Xtra 800 Outdate 2004

Không giấu gì các bạn, mình sinh ra và lớn lên tại một làng hoa ngoại thành Hà Nội và nếu các bạn muốn thả mình trong không gian hoa cỏ bao la thì có thể tìm đến Làng hoa Tây Tựu thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Thực ra thì những năm gần đây do nhà nước lấy đất cho các dự án mới nên diện tích hoa màu đã giảm đi rõ rệt nên ngoài Tây Tựu các bạn có thể tìm đến Đan Phượng, Phúc Thọ gần đó, nơi mà người dân thuê ruộng bỏ hoang để canh tác.

Vì ở đây có rất nhiều loại hoa màu nên bạn có thể đến vào bất cứ thời điểm nào của năm vẫn có thể chụp hình với hoa nhé!

3. Vào rừng

chang trai trekking ta xua yen bai chup anh tren cay
Shot on GoPro, Tà Xùa – Yên Bái, 11/2020

Chọn vào rừng cũng phải cân nhắc rất nhiều đến thời điểm trong năm. Nó giống như việc đi trekking vậy, mỗi cung trekking lại gắn với những tháng khác nhau mà sẽ có nhiều cảnh đẹp để chiêm ngưỡng hơn.

Vào rừng bạn có thể dễ dàng lấy background lá cây tối phía sau.

4. Bờ biển với nhiều background biển

Bờ biển là nơi lý tưởng để có những bức ảnh hoàng hôn, hay bình minh, những khung giờ vàng.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Bui Trang Nhung (@bunny_tn)

Bên cạnh đó, bờ biển cho một không gian rộng, nhìn lên là bầu trời xanh, nhìn xuống thì có các dạng pattern hoặc texture của đá và cát.

5. Tường trên đường phố

– Dạng gạch cũ:

Như đã nói đến ở bài viết Đường dẫn trong nhiếp ảnh. Những bức tường gạch cũ tạo đường dẫn rất tốt. Không những thế, khi không tận dụng nó làm đường dẫn, bạn có thể tận dụng cái background dạng pattern rất hay ho để chụp chân dung.

Chân dung em bé người tây
Credit: Henrikke Due | Unsplash

– Tưởng 1 màu sơn:

Tường 1 màu sơn thường dễ dàng tìm thấy ở nhiều căn hộ và đặc biệt phổ biến ở khu biệt thự.

– Tường có grafiti hoặc hội họa đường phố:

Những nghệ thuật kiểu này khi dùng làm background cần lưu ý đến việc chọn ống kính và hắt sáng như sẽ được nhắc đến ở phần F. Những lưu ý khi chụp ảnh với các loại background khác nhau.

Background graffiti
Credit: Etty Fidele | Unsplash

6. Rooftop cafe

Trên đỉnh của một tòa nhà bạn có cơ hội chụp góc thấp để có được background là bầu trời xanh phía sau.

Cùng với đó là các trang trí đậm chất nghệ của không gian những nơi như này. Đặc biệt là vào buổi tối, bạn có thể lấy background là những đèn dây lung linh – cơ hội để có những bokeh xịn sò.

Nhiều quán cà phê rooftop có những bờ tường không quá cao, hãy tận dụng chúng là đường dẫn nhé!

7. Những ngôi nhà cổ

Bạn có thể chọn những ngôi nhà cổ trong thành phố hay đầu tư thời gian về thăm những vùng quê để có nhiều góc chụp đẹp từ background của những ngôi nhà cổ.

8. Các tiệm cà phê

Ở các tiệm và phê nói chung, bạn có thể tìm được nhiều pattern hoặc texture thú vị. Hơn nữa, nhiều tiệm ca phê thường thiết kế một góc tường một màu sơn cho các bạn tha hồ sống ảo.

Đến tối, khi tiệm lên đèn thì đó cũng lại là cơ hội để có bokeh đẹp nữa.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Mila (@milasway_)

9. Tại nhà

Ngay tại căn phòng của mình thôi bạn cũng có thể tận dụng nhiều background để chụp ảnh. Ví dụ như chăn đẹp với những thiết kế hay pattern bắt mắt chẳng hạn.

Cô gái nằm cười đùa trên giường
Credit: Logan Weaver | Unsplash

Thậm chí nếu nhà bạn có nền gỗ thì đó cũng là một texture thú vị để thử rồi.

10. Sáng tạo background riêng

Điều này không khó, với tất cả những vật dụng bạn có thể có được xúc tác với chút sáng tạo bạn đã có thể tạo nên một background thú vụ theo cách riêng bạn rồi.

Ví dụ dễ dàng nhé! Đó là những từ giấy trắng hoặc sách báo cũ. Đó thấy không? Không hề khó phải không nào?

101 mẹo tạo dáng

F. Lưu ý khi chụp ảnh với các loại background chụp hình khác nhau

– Nếu chụp background có nhiễu (pattern/retro,…) ở góc rộng, phải đảm bảo có nguồn sáng cung cấp cho chủ thể chính để nổi bật hơn background phía sau.

– Mở khẩu độ rộng khi chụp lens góc hẹp để xóa phông cho tốt.

– Nếu muốn hậu kỳ ảnh sau đó, nên chụp với backdrop màu xanh lá hoặc xanh nước biển vì nó là màu ít tương đồng nhất với màu da của con người.

G. Lời kết

Background chụp hình là vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh chân dung. Hãy nhớ áp dụng những kĩ mẹo mình tổng hợp phía trên để không còn lo nhân vật chính bị chiếm spotlight nữa nhé!

Ảnh chân dung cô gái nước ngoài
Credit: Fezbot2000 | Unsplash

Hi vọng bài viết dài thật dài này đã trả lời hết tất cả các thắc mắc về background trong nhiếp ảnh cho bạn. Nếu chưa, mình rất sẵn lòng nhận được những câu hỏi, phản hồi, góp ý về bài viết. Hãy để lại comment phía dưới cho mình biết nhé!

Và đừng quên share hay để lại một lời động viên phía dưới để mình tiếp tục giới thiệu những kiến thức hay hơn trong tương lai nhé!

Các bạn cũng có thể kết nối trên các mạng xã hội qua hashtag #chinhhunky để tìm đến mình nha!

Bài viết nổi bậtXem thêm

2 thoughts on “Background chụp hình: Chúng ở khắp mọi nơi, tận dụng sao đây?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status