Mấy nay dọn phòng kho để biến nó thành phòng làm việc vất vả quá, giờ mới có thời gian ngồi xuống để viết một bài dài dài như mình vẫn thường viết. Chẳng là hôm qua có một em nhắn tin hỏi về vấn đề của em và nhờ tôi cho ý kiến.
Em nói “Càng lớn em càng thấy trống rỗng và cô đơn. Mọi người xung quanh hầu hết nói e vô cảm hay đơ gì đó . Thậm chí em cũng thấy vậy nữa.” Chẳng là, vì thấy đó giống với những gì tôi từng trải qua, đồng thời cũng biết nó phổ biến ở lứa tuổi trẻ, nên tôi xin phép sẽ trả lời em bằng một bài viết để nhiều người khác cũng đọc được và đồng cảm cho những ai bị đeo đẳng bởi cảm giác trống rỗng và cô đơn.

Vì sao chúng ta cảm thấy trống rỗng và cô đơn?
Thứ nhất, hãy nói về cảm xúc của em: Trống rỗng và cô đơn. Con người ta khi lớn lên, với kinh nghiệm và nhận thức được hình thành và lớn mạnh đã dành nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ. Điều này hiếm có ở thời thơ ấu, bởi vậy người đời vẫn thường nói: Hồn nhiên như trẻ thơ. Là bởi, chúng có nào suy nghĩ nhiều, chúng ngây thơ, chân chất với mọi thứ quanh mình.
Vậy nên, cái đa sầu đa cảm của người lớn là không tránh được, và nhiều khi chúng khiến người ta lạc trong những suy nghĩ tự ti về mình.
Phải thừa nhận rằng, khi một người nói họ trống rỗng và cô đơn, thì đó là khi người ấy cảm thấy thực sự trống rỗng và cô đơn. Lý do cho điều này có lẽ khá nhiều. Ví dụ như, ta không còn những người bạn thân cũ thời niên thiếu, ta cảm thấy không hợp với môi trường xung quanh nên không mặn mà với các mối quan hệ, ta thấy bản thân yếu kém,… Tất cả những điều đó khiến ta làm quen với sự thu mình lại, trở nên ít cởi mở hơn, và rồi hình thành tính cách hướng nội.
Không có gì đáng xấu hổ nếu bản thân là một người hướng nội cả, Albert Einstein hay Elon Musk (Người giàu nhất thế giới), Larry Page (Đồng sáng lập Google), đều là người hướng nội. Tuy nhiên, điều quan trọng là hãy đặt câu hỏi rằng liệu bạn có hướng nội “hiệu quả” hay không? Nếu sự hướng nội của bạn khiến bạn cảm thấy muộn phiền, thì nó cần được chỉnh đốn lại. Elon Musk luôn nhận mình là một người hướng nội với sự khép mình là bí quyết giúp ông bắt đầu tự học code năm 10 tuổi, nhưng ông cũng là một người “lẹ miệng và mạnh miệng” trên mạng xã hội, và cũng rất tự tin thuyết trình về sản phẩm mới của Tesla trước mặt bao nhiêu chuyên gia và hàng tỉ người trên thế giới. Những việc như vậy cứ tưởng chỉ có người hướng ngoại mới dám đảm nhận, nhưng bạn thấy đấy…
Loại bỏ cảm giác trống rỗng và cô đơn
Quay trở lại vấn đề trống rỗng và cô đơn, hãy nhận thức được rằng, đó là sự lựa chọn của bạn: Bạn cho phép bản thân trống rỗng, và cô đơn. Bạn trống rỗng, cô đơn thì cần phải lấp đầy và trở nên hòa đồng hơn: Lấp đầy những khoảng trống bằng những hoạt động, niềm vui, sở thích cá nhân, và hãy mở lòng để đón nhận những mối quan hệ.
Nếu chưa tìm ra sở thích của mình, hãy nghĩ về thứ mình làm giỏi nhất và đầu tư thời gian cho nó nhiều hơn. Điểm chung tôi thấy ở người hướng nội là khá kiên nhẫn trong lắng nghe, cũng như các việc khác. Vậy hãy thử rủ người bạn thân đi cafe và nghe những cập nhật mới về cuộc sống của người ấy. Nếu không có, hoặc chưa sẵn sàng, bạn có thể lấp đầy sự trống rỗng bằng những hoạt động đơn giản khác. Ở thời sinh viên, tôi cũng là một người có vấn đề giống với em gái được nhắc tới đầu bài viết, và giải pháp của tôi mỗi lần thấy chán chường là đi giặt quần áo. Chỉ cần có một hoạt động khiến bản thân mình thấy có ích thì sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều. Ngoài giặt quần áo, cũng còn vô số những việc con con mà hiệu quả để giúp tinh thần được cải thiện đó là quét nhà, dọn dẹp góc làm việc, thắp một nén hương, viết một đoạn văn ngắn kể về dự định sắp tới,… Mấy điều nhỏ nhặt này sẽ tốt hơn việc nằm ì ra một góc suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Còn về các mối quan hệ, luôn có những mối quan hệ ý nghĩa đang chờ bạn kích hoạt. Dù bạn có là người thế nào, luôn có những người trân trọng con người và khả năng của bạn.
Những ngày áp lực và chán nản nhất của tôi diễn ra khi tôi bắt đầu làm việc tại một môi trường chuyên nghiệp và áp lực khi còn đang làm luận văn tốt nghiệp. Một cổ 2 tròng, đã có những lúc tôi thấy bản thân yếu kém, tại sao việc trên công ty mà vẫn phải mang về nhà xử lý vậy? Ngày tôi cày việc, đêm tôi mơ về công việc, sáng ra lại bắt đầu nguồng quay mới. Dường như chẳng có thời gian cho bản thân, huống chi là các mối quan hệ. Nhưng rồi có một người bạn liên hệ, rủ tôi đi cafe vì cần lời khuyên của tôi. Tôi bỗng bừng tỉnh và tràn đầy năng lượng để tiếp tục cày ải vì nhận thấy bản thân mình có giá trị, và được người khác ghi nhận. Có thể nói, dù là buổi đó tôi giúp người bạn của mình đưa ra quyết định tốt cho công việc, nhưng thực tế thì người bạn ấy đã giúp tôi nhiều hơn. Buổi nói chuyện giúp tôi hiểu rằng đôi khi ta bị tập trung nhìn vào những yếu kém mà quên mất những cái tốt, cái giỏi của mình.
Tôi tin chúng ta ai cũng cần một người bạn như vậy, người hiểu ta còn hơn ta, người nhắc nhở ta về những giá trị ta có. Hãy tìm kiếm một người như vậy. 1 là đủ!
>>> Bài viết tương tự:
- Giết chết những suy nghĩ tiêu cực bằng sự tự tin vào thế mạnh của bản thân
- Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Sao để hết vô cảm?
Em nói “Mọi người xung quanh hầu hết nói em vô cảm hay đơ gì đó. Em cũng thấy vậy”.
Người hướng nội ít khi bày tỏ cảm xúc của mình. Tôi không muốn bào chữa cho việc này bởi ít bày tỏ cảm xúc ở một mức độ nào đó thì đúng là vô cảm thật. Tôi từng là một kẻ như vậy rồi… Qua thời gian tôi đã trở nên có cảm xúc hơn trước, nhưng phải thừa nhận là có một câu nói đã giúp quá trình đó đến nhanh hơn, biến tôi trở thành một phiên bản tốt hơn.
Đó là qua lời chia sẻ của cô giáo dạy tâm lý học thời tôi còn ngồi trên giảng đường đại học. Cô hỏi một câu mà cả lớp không ai trả lời được, rồi cô giải thích rất đơn giản: “Các em muốn yêu ai nhiều hãy ở bên người đấy nhiều hơn, các em muốn quý trẻ con, thì các em phải chơi với chúng nhiều hơn”. Qua đó, tôi hiểu rằng, để bản thân giàu cảm xúc hơn, nhiều tình cảm hơn, thì cần hòa đồng với mọi người hơn, và hiểu về họ nhiều hơn. Sao chúng ta có thể yêu thương một người nếu không hiểu họ được chứ? Vậy, hãy dành thời gian cho những người, những thứ mình quan tâm, thì bạn sẽ yêu thương mọi điều xung quanh hơn. Bảo sao mà các cụ ngày xưa không muốn con cháu mình đập nhà xây lại, là bởi họ đã gắn bó với nó mấy chục năm rồi…
Nhận thấy bản thân mình vô cảm là một tín hiệu tích cực bởi em đã biết vấn đề của mình. Vậy hãy từng ngày rèn luyện để tháo gỡ nó nhé!
Ngủ dậy thấy đờ đẫn, phải làm sao?
À, sau đó, em còn nhắn “nhưng e thấy cảm xúc của mình nó thế nào ấy nhiều lúc e nhìn vào khoảng không và cứ đờ đẫn chẳng vì lí do nào hết hoặc sáng thức dậy bình thường sẽ hơi buồn.”
Thì, lật lại những gì đã nói ở trên, hãy loại bỏ những khoảng không ấy bằng một hoạt động nào đó. Vì sao chúng ta buồn, hụt hẫng vào buổi sáng? Đó là bởi ta nhận ra mình có cả ngày dài nhưng lại không biết làm gì cả, ta thấy bất lực và vô dụng. Vậy, buổi tối hôm trước đó, hãy lên kế hoạch cho ngày mới. Cuốn sách Organize Tomorrow Today của Jason Selk và Tom Bartow cho ta một lời khuyên rất hay rằng trước khi đi ngủ, hãy viết ra 3 điều to tát nhất đã làm trong ngày, đồng thời viết ra 3 điều dự định làm vào hôm sau. Như vậy, sáng khi ngủ dậy, ta biết lý do vì sao ta thức dậy, và ta thức dậy một cách chủ động. Với người mới, có thể chỉ cần viết ra những điều nho nhỏ thôi, để nhắc nhở bản thân không được lười biếng, và sa vào lối mòn của suy nghĩ tiêu cực. Đó có thể l: Đi bộ 30p, làm một bài tập nào đó, hay chuẩn bị một món ăn,…
Ngoài ra, cũng có thể tịnh tâm lại nhờ âm nhạc. Lên Youtube tìm kiếm từ khóa Mindfulness Music sẽ có những bản nhạc giúp ta thư giãn đầu óc. Nhạc mang tính chất lan tỏa năng lượng thì có thể kiếm theo từ khóa Energetic music. Còn nhạc tạo sự tập trung, hỗ trợ làm việc tốt hơn thì tìm Biaural Beats (khoa học chứng minh tạo sự tập trung tối đa cho não). Muốn vui vẻ, lắc lư thì tìm hiểu các dòng nhạc EDM như Tropical House và Future House,…
Vậy đấy, cảm giác trống rỗng và cô đơn cần được nhìn nhận lại. Không nên đổ cho hoàn cảnh, mà hãy tự mình thay đổi tình trạng đó. Một khi bản thân trở nên bận rộn với những hoạt động có ý nghĩa, sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của tôi và mong muốn góp ý, tôi viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng Một [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, tôi sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3