Cách đây 2 năm, mình đọc cuốn “Não bộ nói gì về bạn” (The brain: The story of you – David Eagleman), thì có một ví dụ khiến mình nhớ mãi. Đó là về một anh chàng nhân viên ngân hàng, người đã leo lên nóc một toà nhà cao tầng xả súng xuống con phố cạnh bên, giết chết 13 người vô tội. Ngay sau đó anh này tự tay kết liễu mình. Một hôm trước vụ xả súng đẫm máu, anh này cũng đã ra tay giết vợ và mẹ tại gia.
Cảnh sát vào cuộc điều tra thấy vô cùng bất ngờ rằng tại sao trước kia, anh này không hề có tiền sử tiền án, là một nhân viên hoàn toàn bình thường, tại sao đột nhiên lại nổi máu giết người như vậy?
Lục soát nhà anh ta thì họ thấy một mẩu giấy ghi lại tâm nguyện: “Dạo gần đây tôi không thể hiểu nổi mình nữa, có những khi tôi không thể giải thích được những hành động bất thường của mình. Tôi mong khi tôi chết đi, não của tôi sẽ được giải phẫu để nghiên cứu”.
Di nguyện của anh được đáp ứng. Các nhà nghiên cứu, sau đó tìm thấy và kết luận một khối u đang phát triển, chèn vào những dây thân kinh bên cạnh trên não là thủ phạm cho những hành vi bất thường.
Đọc đến đây, tự nhiên mình thấy một nỗi buồn thật nặng trong lòng, thêm một chút gì đó bất lực nghĩ về bao nhiêu người trong đời sống cũng không may có một chút vấn đề về thần kinh ngoài kia.
Mình bất lực vì dường như ta không thể giúp họ. Nhưng từ đó, có một điều mà mình luôn biết mình có thể làm được là cố gắng cảm thông với họ thay vì cười chê, lăng mạ như nhiều người làm. Đó là điều tốt nhất có thể làm rồi.
Hôm nay đọc được bài viết của anh Trí về những “Người điên ngoài phố” hay quá, xin được chia sẻ với mọi người dưới đây!
Người “điên” ngoài phố – Tác giả nhà báo Cu Trí (Hoàng Minh Trí)
Nguồn FB: https://www.facebook.com/tritroc/posts/10158365440638831
Bố tôi sinh năm 1938, đã có một tuổi trẻ được học hành tươm tất. Những điều tưởng chừng đầy thuận lợi cho sau này lại trở thành một gánh nặng lên cuộc đời ông. Bất lợi về xuất thân lẫn chủ nghĩa lý lịch đằng đẵng bám theo khi đi học lẫn đi làm.
Ông thất vọng rất nhiều và sau đó bất mãn tự hủy hoại bản thân bằng việc bắt đầu uống rượu, uống nhiều đến mức nếu không có rượu chân tay sẽ run và toát mồ hôi hột trên trán. Ở phố cũ, dân phố nương nhau sống, trong đó có cả những người say rượu, người ta đưa về hoặc lên tận nhà gọi ra quán đón. Ở phố cũ người ta coi ông vẫn là người bình thường.
Năm 1989 gia đình tôi chuyển về gầm cầu gần chợ Đồng Xuân, chỗ ấy không có những điều đó. Bố tôi vẫn hay ra phố uống rượu với những người xa lạ. Có lần say quá, đám thanh niên phố chợ bê bố tôi nhét vào cái sọt tre rồi kéo lê quanh phố đến tận chợ Long Biên, ông chảy máu khắp mặt và đám đông ấy bu quanh cười ngặt nghẽo.
Tôi còn quá nhỏ, chỉ biết chạy theo khóc, không có ai bênh vực một người không bình thường như vậy. Đám trẻ con ở phố mới cũng thế, chúng coi tôi là con của một người điên, coi thường, khinh bỉ nhiều năm sau đó, thỉnh thoảng cà khịa đấm chảy máu mũi ngoài phố.
Bố tôi tỉnh táo vào ban sáng và thường tuyệt nhiên không nhớ gì của ngày hôm qua, có lẽ vậy nên ông không bận tâm lắm những kẻ hành hạ mình hôm trước. Còn tôi thì không thể, sợ hãi, nem nép và nhiều khi cắm đầu bước thật nhanh để lẩn tránh khi vô tình đi qua chỗ bố ngồi uống rượu. Sau này chị gái có bạn trai, là anh rể tôi bây giờ, hay đến nhà chơi và thỉnh thoảng ra đưa bố tôi về khi say, đám ấy không còn bắt nạt bố con tôi nữa.
Một người không tỉnh táo trí óc là bi kịch cho mỗi gia đình, tôi tin là vậy. Ông mất đã lâu, tôi vẫn hay đi qua con phố ấy, đôi lúc dừng lại trân trối nhìn góc phố gần như không biến dạng đáng kể bởi thời gian. Ủy mị mà ước rằng khi ấy đã đủ cứng cáp như hôm nay để làm gì đó cho bố. Mấy năm trước nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đăng tải lên Facebook một bức ảnh chụp năm 1991, đúng góc phố này, tôi xin và anh Long đã in tặng đóng khung gỗ rất cầu kỳ, nó lớn hơn một bức ảnh bởi đó là ký ức rất buồn không thể quên.
Cách đây ít lâu tôi đi dạo bộ trên phố thì bắt gặp một chiếc xe thùng thu gom người lang thang quanh khu vực hồ Gươm. Họ đỗ xe dưới trời nắng nóng rồi kéo nhau vào quán ăn cơm trưa, để lại thùng kín phía sau một bác lớn tuổi có gương mặt khắc khổ, bẩn thỉu, mái tóc bù xù. Tôi cảm thấy bực, đi vào hỏi họ sao lại để như vậy, một anh trong nhóm thu gom nói “Ôi thằng điên ý mà để ý làm gì em”.
Tôi ra xe nói chuyện với ông già “điên”, ông hỏi xin điếu thuốc, tôi châm luồn đưa qua khe hẹp. Ông cầm điếu thuốc lặng lẽ hút, mắt buồn đầy ám ảnh.
Có lẽ người ta sống ít khi phải nặng lòng với những kẻ bị cho là thần kinh ngoài phố, đôi khi bị coi là những kẻ tận cùng của xã hội. Và họ đối xử với những con người ấy bằng trí khôn của số phận nhiều may mắn hơn, thông tuệ, khôn lanh…
Những clips như ông điên bán bóng bay đạp xe như gió ngoài phố cổ leng keng ống bơ buộc sau xe, ông ấy cũng mới mất, những cô bác có vấn đề trần nhộng lững thững trên cầu Long Biên… có thể làm đám đông thấy vui vẻ.
Mạng xã hội tò mò và khoái trá với vô số người có nhận thức bất thường trên tivi hay những video vô tình quay rồi được phát tán. Điều đó giống như niềm vui của những anh bạn bên chiếc sọt tre trong đó có ông cụ nhà tôi 30 năm trước vậy. Ai cũng có người thân và tổn thương dù có được rèn luyện đi chăng nữa thì cũng không thể không cảm thấy đau xót.
Mạng xã hội không giống chiếc sọt tre, bởi nó sẽ còn tồn tại những nụ cười thỏa mãn đó một thời gian rất dài, không hề biến mất vào sáng ngày mới khi vào phiên chợ.
Mỗi lần cười cợt sự thiệt thòi của người “điên” hay kẻ yếm thế, thần kinh, giống như chúng ta xúc một thìa nhỏ tính thiện tâm trong lòng để hất ra đường đánh đổi lấy một nụ cười. Không hiểu vì lý do gì, chúng ta đang thiếu đi một tấm lòng cần thiết. Và cũng có những kẻ khôn ranh đang mua bán giấy chứng nhận tâm thần để phạm tội ác, để chứng minh là người bình thường thời này có lẽ còn khó hơn.
Tất nhiên để hiểu, hoặc chút ít biết cảm thông, trắc ẩn với cuộc đời người khác có gì đó xa vời vợi, nhưng không phải quá khó.
Có lẽ vậy.

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của mình và mong muốn góp ý, mình viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do chụp ảnh đen trắng của mình Một là, ảnh [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, mình sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3