Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của tôi và mong muốn góp ý, tôi viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về việc chọn khung hình khi chụp ảnh.

Tôi là một người thích chụp ảnh film. Hồi mới chụp film mọi người hẳn đều bị mê cái viền film. Sau này tôi mới biết viền đó là dùng Photoshop thêm. Cũng bởi cái viền film đó mà tôi có quan điểm cứng nhắc về việc có nên crop hình hay không, và tôi thì nhất quyết trả lời là không: Hình chụp ra sao thì giữ y nguyên như vậy chứ! Quan điểm này giúp tôi chụp hình nghiêm túc hơn, rằng mỗi lần chụp thì xác định mất tiền và không được crop này kia nên càng phải tỉ mẩn.

Sau này khi nghèo rồi, tôi chụp film ít đi, chụp điện thoại và máy số nhiều hơn, cũng tập hậu kỳ nhiều hơn thì gỡ bỏ dần sự cứng nhắc về “crop hay không crop”. Tôi thấy rằng, lúc nào xấu quá thì vẫn cần crop chứ!

Hôm vừa rồi, tôi đọc một bài viết về khung hình trong nhiếp ảnh của NSƯT, nhà quay phim Phạm Thanh Hà, thấy rằng việc chọn khung hình ngang, dọc, vuông có nhiều dụng ý hơn thế. Ồ, thì ra trước giờ tôi crop hình để hình đẹp hơn mà không biết vì sao nó đẹp! Nay xin được chia sẻ với mọi người tác dụng của việc chọn khung hình trong nhiếp ảnh theo như những gì mình hiểu được, và từ kinh nghiệm cá nhân.

1. Chọn khung hình ngang khi chụp ảnh

Có bao giờ bạn tự hỏi, sao khi cầm điện thoại lên chụp, bạn có phản xạ tự nhiên là xoay ngang máy để chụp. Hay nếu như bạn có một chiếc máy ảnh, bạn chụp nhiều ảnh có khung ngang như thế? Cứ cho là nhà sản xuất máy ảnh đã thiết kế máy cầm tiện hơn cho việc chụp ngang đi, nhưng không thể phủ nhận là phần lớn chúng ta lười chụp dọc.

Câu trả lời có thể được tìm thấy trong lời của chú Phạm Thanh Hà (xin phép được gọi chú vì mấy lần mình xưng “cháu” với bác, mà bác toàn xưng ngược lại là “chú”. Vâng, cháu xin được gọi chú là “chú” :D). Chú nói rằng, “khuôn hình ngang luôn thỏa mãn đôi mắt người xem. Khuôn hình ngang cũng được gọi là khuôn hình kể chuyện.”

Phải vậy, khung hình ngang thân thuộc với chúng ta nhất vì 2 con mắt của chúng ta tiếp nhận hình ảnh không gian theo khung hình ngang. Do vậy, ta thấy phổ biến trong nhiếp ảnh phong cảnh là ảnh chụp ngang nhiều hơn khi nó góp nhặt được nhiều nội dung để kể một câu chuyện hơn.

Sony A6000 + Sigma 56mm F1.4 | 2021/11

>>> Đọc thêm: Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh

2. Chọn khung hình dọc khi chụp ảnh

Trong chụp chân dung, hình như khung hình dọc được sử dụng nhiều bởi vì cái cần là chụp được chân dung của nhân vật chứ không cần lấy thêm cảnh vật xung quanh.

FujicolorC200 | 2/2021

Ngoài ra, theo chú Phạm Thanh Hà, khung hình dọc thích hợp khi người chụp ở “gần chân các công trình kiến trúc, cây cối”, lúc ấy ta chụp được những đường nét vươn lên thật đẹp.

Và, “dạng khuôn hình này còn hay được sử dụng trong những ảnh đối xứng trên dưới.” Về nhận định này, tôi thấy vô cùng đúng.

FujicolorC200 | 3/2021

Tôi cũng nhận ra khung hình dọc được sử dụng nhiều trong nhiếp ảnh đường phố, đặc biệt phổ biến ở những người thích “chơi với visual” qua thủ pháp Juxtaposition – nôm na là cách chụp khiến người ta phải liên tưởng nhiều vì nếu không sẽ bị đánh lừa thị giác, hay chụp layers là chụp một bức ảnh mà lại cảm giác như mấy tấm ghép lại với nhau.

>>> Đọc thêm: Background chụp hình: Chúng ở khắp mọi nơi, tận dụng sao đây?

3. Chọn khung hình vuông khi chụp ảnh

Có nhiều chiếc ảnh lỗi khi lấy quá nhiều chi tiết thừa trong khung hình, tôi đã crop lại vào khổ vuông 1:1 và cứu chúng. Đọc bài của NSUT Phạm Thanh Hà tôi mới hiểu ra lý do. Chú giải thích: “Khuôn hình vuông giúp mắt người xem nhanh chóng định hình chủ thể chính, bớt phân tán với các chi tiết hình và các màu sắc trong ảnh.”

Ảnh gốc có vướng người ở bên phải. Khi crop lại, thể hiện được chủ thể chính là cô gái tự tin và chàng trai khúm núm.

Kèm theo đó, chú có lời khuyên mà tôi nghĩ là sẽ rất hữu ích cho các bạn mới tập chụp hình: “Trong khung hình vuông chủ đề chính đặt ở trung tâm đem lại hiệu quả cao. Bố cục đối xứng cũng thích hợp trong khuôn hình này.”

Tổng kết

Vậy tôi đúc kết lại những kinh nghiệm chọn khung hình khi chụp ảnh như sau. Chụp ngang thân thuộc với chúng ta hơn, và giúp kể chuyện qua ảnh tốt hơn nên được sử dụng nhiều và đặc biệt nhiều khi chụp phong cảnh; chụp dọc, ngoài chụp chân dung, các công trình kiến trúc, cây cối, chụp đối xứng trên dưới,… thì còn phổ biến trong nhiếp ảnh đường phố khi chụp juxtaposition và layers; còn, khổ vuông giúp đơn giản hóa bức ảnh là khiến chủ thể nổi bật hơn, nên khuyến khích người mới chụp sử dụng khung hình này.

Bài viết tham khảo kiến thức từ blog của NSUT Phạm Thanh Hà: http://phamthanhhanqp.blogspot.com/

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status