Có nhiều lý do khiến mình cảm thấy tự ti, nhưng có lẽ phần nhiều là bởi bản tính hay so đo hơn kém. Sau này mình nhận ra, không cần thiết phải đặt mình lên một cán cân nào cả, vì dù đối phương là ai thì mình vẫn luôn bị thua thiệt, và đó là nguồn cơn của sự tự ti.
Ở thời đại ngày nay, chúng ta càng dễ bị tự ti hơn khi cứ lên mạng là thấy người tài, người thành đạt, người đẹp, hay ít nhất là họ đang thể hiện như vậy. Mà mạng xã hội thì là một thế giới giúp ích cho công việc rất nhiều và gần như không thể bỏ được. Nên, mình luôn nghĩ tới việc uốn nắn những góc nhìn hạn hẹp và tiêu cực của mình, thay vì than trách hay so đo với ai khác. Mình đã làm như thế nào?
Cái cần của mỗi người là sự tham chiếu, học hỏi, và nỗ lực, chứ không phải so sánh.
So sánh và lý do ta có cảm giác tự ti
Thực ra mình thấy việc so sánh là một điều rất bình thường ở con người. Có so sánh thì mới biết cái nào hơn. Có so sánh, cạnh tranh thì mới có sự cọ xát, thúc đẩy phát triển. Vậy, điều đầu tiên cần lưu ý: So sánh không hề xấu.
Chỉ là khi so sánh, chúng ta lại thường tự đặt mình vào tình thế yếu. Và, với tính cách bảo thủ, sỹ diễn, ta lại hay bao biện cho những yếu kém của mình. Kiểu, so sánh mình với con nhà người ta.
Thế bảo sao mà không chán nản, tiêu cực?
Mình từng là người như vậy, và mình đúc kết ra một điều về bẫy “Tự ti do so sánh” đó là “Tập trung vào chính mình và Cân bằng giữa cho đi và nhận lại”.
Tập trung vào chính mình – loại bỏ sự so sánh
Sự so sánh cần ít nhất 2 đối tượng. Vậy nếu bản thân hay bị nhiễm cái thói so sánh, thì hãy triệt tiêu mọi đối tượng khác, chỉ tập trung đến mình thôi. Tập trung đến mình để hiểu bản thân, biết mình tốt cái nào cần phát huy, kém cái nào để cải thiện.
Mình không nhớ mình bắt đầu chơi ảnh từ bao giờ, bởi những bức ảnh đầu tiên tới tận từ những năm đầu cấp 3. Mình chỉ nhớ hồi đó chơi ảnh rất vô tư: Chụp lại những điều bình thường xung quanh, ghi chép lại kỷ niệm vui với bạn bè. Và cái kiểu chơi ảnh vô tư ấy chỉ khiến mình thấy vui và tận hưởng vì cũng chẳng nghĩ nhiếp ảnh cần gì đó cầu kỳ; mình không biết gì về các quy tắc, càng không biết các ông lớn trong ngành ảnh.
Sau này khi chơi ảnh nhiều, và cũng biết nhiều tới mạng xã hội thì mới mở rộng tầm hiểu biết, đâm ra, mình lại so sánh nhiều hơn, và chụp ảnh vào khuôn khổ hơn. Điều này dẫn tới một câu hỏi luôn thường trực: Ảnh mình có đủ tốt với chuẩn nhiếp ảnh? Và, mình bắt đầu sợ bị những dân anh chị trong ngành tấn công, chê ảnh. Cũng có những người thuộc hàng kém cỏi chỉ lướt qua, để lại một comment tiêu cực, rồi hả hê vì dìm được mình xuống.
May thay, có đợt, mình theo dõi một anh cũng có tiếng trong ngành, anh chia sẻ một status vui trên fanpage rằng: “Kể từ ngày block mấy thành phần toxic khỏi page, thấy cuộc đời thoải mái hơn hẳn”. Mình nhận ra: Thì ra những người ở cái tầm cao đấy cũng không phải lúc nào cũng có người ủng hộ, hâm mộ. Người ở tầm cao thì lại có những vấn đề ở tầm cao, họ không phải thần thánh mà không có sai lầm, hay người ghen ghét.
Thế là mình cũng bắt đầu block mấy đứa bất lịch sự. Đúng là cuộc đời thoải mái hơn thật! Và mình bắt đầu tập trung vào ảnh của mình và những người mang cùng triết lý trong nhiếp ảnh thôi. Facebook của mình đã healthy hơn rất nhiều rồi!
Khi tập trung vào ảnh của mình, mình nhận ra chất ảnh mình theo đuổi và nhìn rõ hơn được con đường dài, chứ không phải đẽo cày giữa chợ kiểu ai bảo gì thì mình làm theo đấy. Mình muốn bản thân luôn nhớ rằng một bức ảnh hay một bộ ảnh được làm nên phải phản ánh đúng những gì đang diễn ra, và bắt được cảm xúc đại diện có sự cao trào, đáng giá nhất của khoảnh khắc đó. Thế nên, rốt cuộc, thứ mình tìm kiếm sau cùng là những câu chuyện chân thật. Mình vẫn thường tự hào mô tả nó là vẻ đẹp của sự giản dị (candid), tách biệt hẳn với vẻ đẹp ngoại hình, hay những thứ được tô vẽ.
Cân bằng giữa cho đi và nhận lại
Hiểu được tầm quan trọng của việc tập trung vào bản thân, quên đi tầm ảnh hưởng của người khác là cần thiết. Nhưng, duy trì nó mới khó.
Nhiều người dùng mạng xã hội vì thấy áp lực bởi thành công của người khác mà đã unfollow tất cả, để lại một newfeeds trống trơn. Mình nghĩ cách làm đó khá cực đoan. Mạng xã hội sinh ra để kết nối. Hãy dùng đúng mục đích của nó.
Ngoài việc chăm lo cho bộ mặt của mình trên mạng xã hội, mình cũng theo dõi nhiều người mà mình hâm mộ, và nhiều người chung sở thích. Việc này đối với mình là cần thiết, giúp mình cân bằng giữa những gì mình cho đi, và những gì mình nhận lại. Và, mình thì nhận lại được rất nhiều cảm hứng làm nhiếp ảnh, làm sáng tạo, làm người tử tế, hay xây dựng ý tưởng kinh doanh,…
Mình tin là mạng xã hội không xấu, nó chỉ là việc mình xây dựng môi trường nội dung xung quanh như thế nào thôi. Nếu cảm thấy ai đó, hay chủ đề nào đó tiêu cực thì hãy loại bỏ chúng đi, và thay bằng những nội dung tích cực, và có ích với mình hơn.
Phía trên là những đúc kết để chữa bệnh tự ti trên mạng xã hội của mình. Mình viết lại đây không phải vì mình đã hoàn toàn vượt qua, mà mình muốn ghi chép lại những kinh nghiệm mình cho rằng đúng, và sẽ nhắc nhở mình làm theo nếu cảm thấy mình đang chệch hướng trong tương lai. Đồng thời, hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho người đọc! Hãy chia sẻ nếu thấy bài viết này có ích nhé!
2023-10-04
#willdeart from Con Hình Con Chữ
#conhinhconchu #chcc

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của mình và mong muốn góp ý, mình viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do chụp ảnh đen trắng của mình Một là, ảnh [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, mình sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3