Hôm nay tình cờ tìm nghe lại nhạc của rapper Akon thì nhận ra anh này có cái avatar cực cuốn. Đó là nhờ bức ảnh có sử dụng thủ thuật đường dẫn trong nhiếp ảnh.

Ảnh đại điện của Akon
Credit: Akon | Facebook

Cũng đã nung nấu ý tưởng viết về nó lâu nay, mà lại tiện hôm nay có chất xúc tác, mình đã thực sự sẵn sàng dành thời gian để viết một bài hoàn chỉnh nhất.

Đối với những người chỉ mới biết sơ sài về nghệ thuật, họ đều biết chút nhiều về đường dẫn, là thứ có tác dụng hấp dẫn cái nhìn của người xem đến chủ thể chính.

Nhưng mình phải thừa nhận là khi mới đam mê nhiếp ảnh, cũng tìm đọc nhiều về bố cục, luôn phải tiếp xúc nhiều với khái niệm “đường dẫn” vậy mà phải lâu thật lâu sau (2-3 năm) mới thực sự có tư duy tốt về nó khi xem các tác phẩm của người khác cũng như sử dụng đường dẫn một cách có ý đồ trong các tấm hình của mình. Mình nhận thấy sẽ là rất hữu ích với mọi người nếu chia sẻ một bài viết giải thích về nó.

Nói đến đây mọi người đừng nghĩ bài viết này chỉ dành cho những ai đã nắm được cơ bản về nghệ thuật hay nhiếp ảnh nhé. Sau khi đọc xong bài này chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ hiểu hơn về “Đường dẫn trong nhiếp ảnh” để làm đẹp hơn những khung hình của mình, cũng như hiểu vì sao có những khung hình mình chỉ chụp chơi thôi mà sao đẹp thế!?

A. Khái niệm: Đường dẫn trong nhiếp ảnh là gì?

“Đường dẫn nói về một kĩ thuật dựng bố cục, dựa vào đó người xem sẽ bị thu hút sự chú ý vào những đường nét dẫn đến chủ thể của khung hình. Một đường dẫn kiến tạo một lối dẫn dắt dễ dàng hơn cho mắt người đi theo và qua những thành phần khác nhau của một bức ảnh.” Đó là những gì được định nghĩa bởi https://digital-photography-school.com.

Tóm lại, bạn chỉ cần hiểu Đường dẫn giúp người xem nhanh chóng định hình được yếu tố quan trọng nhất trong khung hình mà tác giả đã sắp đặt từ trước.

B. Vì sao đường dẫn trong nhiếp ảnh lại quan trọng?

Các nhà nghiên cứu ở Canada đã làm khảo sát trên 2,000 người và nghiên cứu hoạt động não của 112 người khác sử dụng phương pháp EEGs (Điện não đồ). Từ nghiên cứu này mà tập đoàn Microsoft tìm ra rằng từ năm 2000 (khi mà điện thoại di động bắt đầu phổ biến), khả năng tập trung của chúng ta đã giảm từ trung bình 12 xuống 8 giây.

Trong khi mạng xã hội với tràn ngập thông tin ngày càng khiến bộ lọc của người dùng trở nên kiêng kén, khả năng tập trung thậm chí sẽ còn giảm sâu hơn nữa. Do đí, các thủ thuật bố cục như đường dẫn sẽ là một sự hộ trợ cần thiết cho những ai muốn ý đồ của mình được truyền đạt tốt hơn, giữ chân người xem lâu hơn.

Nhờ có đường dẫn, bạn đã cho người xem một lý do để ở lại, và họ càng ở lại lâu (dwell time) thì bạn càng có cơ hội thuyết phục họ tin vào thứ nghệ thuật của bạn rồi mới đến like, comment, share, những thước đo (metric) Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào khác dùng để quyết định giá trị của bài đăng.

>>> Có thể bạn quan tâm: 8 cách tạo chiều sâu cho ảnh: Những lưu ý, kinh nghiệm

C. Tìm Đường dẫn trong nhiếp ảnh thế nào, ở đâu?

Trong tự nhiên, có vô vàn nhiều đường dẫn mọi người có thể tận dụng, chuẩn bị bất ngờ với những gì sắp được liệt kê nhé!

1. Lối đi, các con đường

Ngạc nhiên chưa! Hóa ra bạn cũng từng có khối những bức ảnh đã áp dụng Đường dẫn trong nhiếp ảnh đó!

Chẳng phải ngẫu nhiên mà con đường Phan Đình Phùng ở Hà Nội trở thành địa điểm bị “oanh tạc” nặng nề mỗi mùa kỷ yếu đến, phố Tây là một địa điểm checkin không thể bỏ qua ở Sài Gòn, hay sức hút mãnh liệt của Cầu Vàng khiến ai đó cũng vương vấn không muốn xa Đà Nẵng.

Đằng sau những địa điểm checkin đó hóa ra đều được xúc tác bởi một yếu tố mà phần lớn mọi người không để ý tới: Đường dẫn.

Chúng ở đâu?

Lấy ví dụ con phố Phan Đình Phùng, ngoài những tia nắng xen kẽ lá là đặc trưng ở con phố này, đó là những vạch kẻ đường có thể dùng làm đường dẫn cho những cô nữ sinh xinh đẹp trong tà áo trắng.

Như trong bức ảnh này của Cộng Studio, ngoài bố cục ⅓ và chụp ngược sáng để có bokeh đằng sau nền, vạch kẻ đường dẫn dắt người xem tới chủ thể chính là bạn gái đang ôm bó cúc họa mi.

Em gái chụp ảnh với áo dài

Credit: Cộng Studio

Tuy nhiên, cũng trên khung hình đó, mình thấy tiếc vì bạn nháy chọn chụp ngang vì như vậy tấm ảnh sẽ bao gồm 2 hàng cây bên phải (đường dẫn từ các hàng cây sẽ được bàn tới ở sau đây), tạo đường dẫn về phía xa xa trong khi lại không có chủ thể nào ở gần đó. Việc lãng phí đường dẫn sẽ dẫn đến việc đánh mất sự tập trung của người xem. Do đó mình nhận thấy nếu bức ảnh này được chụp dọc thì sẽ còn đẹp hơn nữa.

Một cách sử dụng đường dẫn phổ biến hơn khi chụp trên các con phố đó là 2 phía bên đường. Như bạn biết, cấu tạo của ống kính máy ảnh hay điện thoại cũng giống với mắt người vậy, mọi đường thẳng song song đều sẽ dần quy tụ lại tại một điểm và nếu người cầm máy biết tận dụng 2 đường dẫn này đến chủ thể ở cuối đoạn nối đó thì họ đã sẵn sàng tạo nên một tác phẩm chiều lòng người rồi.

Joker nằm ôm bụng

Credit: Warner Bros

Một ví dụ xuất sắc mình có thể quan sát trong phim ảnh ở trong phim Joker (2019). Cảnh Arthur bị lũ trẻ đánh bị thương và bị bỏ lại trong con hẻm nhỏ. Đạo diễn đã cho máy quay hạ thấp để tạo ra rất nhiều đường dẫn hướng về Arthur đang ôm mình vì đau.

2. Những lát gạch

Trước hết tôi phải làm rõ với các bạn rằng không phải cứ lát gạch thì bạn có thể sử dụng được thủ thuật này. Đơn giản, bởi vì không phải loại gạch lát nào cũng tạo nên đường dẫn mặc dù đa số là vậy vì chúng thường theo một loại pattern lặp đi lặp lại.

Vậy điều cần lưu lại trong đầu ở đây là: Loại bỏ những lát gạch ngẫu nhiên, không quy luật vì chúng không tạo ra một đường dẫn nhất quán.

Keangnam 4/2019, Kodak Colorplus

Bức ảnh này của tôi chụp ở chân tòa nhà Keangnam, Hà Nội, đợi cho 2 chủ thể bước vào chính giữ khung hình thì tôi mới chụp vì tôi biết đường dẫn tạo nên bởi những lát gạch phía dưới sẽ dẫn mắt người xem đến với họ. Ngoài ra, các yếu tố hình học cân bằng cũng bổ trợ giúp bức hình đẹp hơn.

3. Những tòa nhà trong thành phố

Sử dụng đường dẫn là các tòa nhà cao tầng thực chất không khác là mấy so với việc sử dụng đường dẫn trên các con đường. Nghĩ một cách đơn giản, đường dẫn tòa nhà chỉ là một phiên bản góc máy cao của đường dẫn trên các con đường.

Đường phố châu âu ban ngày

Credit: @martenbjork/Unsplash

Bởi, để có thể tận dụng đường dẫn đó không có cách nào khác ngoài việc hạ mình xuống chụp hướng lên để “gom” đường dẫn đó vào bức ảnh.

Tượng trên phố

Credit: @zane.404/Unsplash

4. Những thành tường

Không phải cứ lên thành phố thì mới có thể tận dụng những đường dẫn phía trên cao nha, về nông thôn, các bạn sẽ có giải pháp thay thế đó là những thành tường.

Lại một lần nữa, các bạn cần thu mình lại, chụp góc hướng từ dưới lên để đặt đường dẫn là viền tường vào khung hình.

Hoặc, cũng có thể sử dụng pattern của những viên gạch là đường dẫn như hình dưới đây mình chụp.

Sóc Sơn 11/2020, Fujifilm Eterna 500T

5. Khung cửa sổ

Đến đây mình lại phải nhắc lại cái ý ở trên (phần lát gạch): Nhớ là không phải khung cửa nào cũng tùy tiện dùng để bảo là tận dụng đường dẫn nhá!

Tây Hồ, 11/2020, Fujifilm Eterna 500T

Thường thì những khung của sổ có thanh ngang tạo đường dẫn cuốn nhất. Nhưng khung của sổ có thanh dọc cũng tạo đường dẫn nữa, thế mới siêu! Tại sao à? Nghe mình giải thích trong phần số 7 nha!

6. Tay vịn cầu thang

Để chụp một bức chân dung đẹp, tự nhiên, sự tương tác và cử chỉ của model là vô cùng quan trọng.

Tay vị cầu thang vừa cung cấp cho chủ thể một đối tượng để pose mà lại cũng vừa là một đường dẫn đưa ánh mắt người xem hướng về mẫu.

Xlab, 10/2020, Fujifilm Eterna 500T

7. Thứ gì đó tạo thành hàng, chuỗi: khung cửa, cây, đèn đường,…

Như đã đề cập ở phần trên, khung cửa sổ xếp hàng dọc cũng có thể tạo nên đường dẫn. Đó là nhờ vào cấu trúc hàng, chuỗi, tạo một pattern mà ngày càng đưa những vật đứng song song ấy hút vào điểm nối cuối cùng và ngược lại.

Em gái chụp ảnh với background cây phía sau

Ecopark 8/2020, Kodak Eterna 500T

Do vậy mà các con phố dài với đôi bên cổ thụ như Phan Đình Phùng mới đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Ngoài đường dẫn vạch kẻ đường hay đường dẫn 2 bên đường, đó là đường dẫn của những hàng cây.

Người đi trong đêm

Credit: @ianscar/Unsplash

Hay những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng, các khu đô thị mọc lên như nấm thì nhiều bạn tìm về những con đường, con phố mới hiện đại đó tìm cho mình những góc chụp. Một trong những góc chụp chẳng phụ lòng ai bao giờ là những con đèn đường, chúng đứng cùng nhau, tạo nên một đường hút mà chẳng nhiếp ảnh gia nào từ chối không tận dụng cả.

8. Trên các con sông

Thực tế thì nó chẳng khác gì đường dẫn được tạo nên bởi từ 2 bên đường phố cả, chỉ cần nhìn 2 bên bờ sông và liên tưởng khác đi một chút thì bạn có thể thấy.

Đến đây, có lẽ nhiều bạn chột dạ: “Hóa ra đợt đi sông Nho Quế, Hà Giang vừa rồi mình cũng áp dụng thủ thuật này!

Đúng vậy, thậm chí các bạn còn làm tốt hơn thể bởi không chỉ có đường dẫn 2 bên bờ sông, các bạn còn hút ánh nhìn bởi đường dẫn từ các vách núi xa xa nữa.

Credit: Oologtee

Credit: @oolgtea/Instagram

9. Vách núi

Nếu bạn là người đam mê trekking & hiking, việc trang bị cho mình kiến thức về đường dẫn từ vách núi đóng vai trò quan trọng giúp bạn nổi bật trong đám đông những người đồng hành.

Những vách núi thành hàng sẽ đưa mắt người xem đến với chủ thể mình mong muốn. Lên núi thì thường chủ thể ấy sẽ là những người bạn đồng hành hoặc ông mặt trời.

Đỉnh Fansipan 10/2020, Google Pixel 2/Snapseed edit

Hãy cố gắng đưa chúng vào cuối đường dẫn hoặc điểm nối của nhiều đường dẫn.

10. Đường bờ biển: Các con sóng

Qua thành thị, về nông thôn. Lên núi rồi, giờ ta xuống biển.

Bạn đã từng đi chơi biển rồi chứ? Vào buổi sáng thức giấc, bạn có dậy sớm đón bình minh và đi dọc bờ biển đón làn sóng mát rượi vén lên đôi bàn chân trần và quyết định đây sẽ là tấm hình đăng Face? Tình cờ trong những khung hình ấy bao gồm những con sóng đã lũ lượt vỗ vào bờ, bạn chỉ nghĩ đi biển thì cần có sóng, có cát, có màu của bình minh, thế là rút máy ra chụp cặp tình nhân cũng đang đi bộ đón sóng phía xa xa.

Nhưng…

Những con sóng ấy hóa ra là một thứ nghệ thuật bạn đang sử dụng mà không hay

Và,

Chúng đang dẫn mắt ta đến với chủ thể là cặp tình nhân đó.

Cặp tình nhân đi dạo trên bờ biển

Credit: Jim Harris /Unsplash

11. Cồn cát

Tôi từng có dịp thăm Quảng Bình năm 2019. Dịp đó tôi có ghé thăm Cồn Cát Quang Phú. Ấn tượng đầu khi bước trên những cồn cát nơi đây là sự phấn khởi vì lần đầu được chính mắt nhìn thấy những núi cát dưới bầu trời trong xanh.

Ấn tượng đó dần phai vì tôi trở nên phấn khích hơn khi nhận ra, mình có thể có một khung hình đẹp ở bất cứ nơi đâu. Đơn giản là sự tương phản sắc trời, màu da và bộ đồ mọi người mặc trên mình khiến mỗi bức hình đều có thể trở thành một chiếc avatar xịn sò.

Nhưng hồi đó tôi chưa nhận ra mình cũng có thể dùng đường dẫn đã thành hình của các cồn cát này tạo điểm nhấn cho các bức ảnh mình chụp được. Bây giờ thì tôi đã thấy, và tôi đã tiếc hùi hụi.

Người đi trên xa mạc

Credit: @hollymandarich/Unsplash

12. Lá cây

“Đùa chắc”, một vài bạn có thể vừa thốt lên trong đầu (xin lỗi vì mình có siêu năng lực đọc suy nghĩ người khác).

Nhưng không đâu. Đọc tiếp để nghe mình giải thích nè!

sách óc sáng suốt của tác giả thu giang nguyễn duy cần
Phần lá phía trước hướng mắt người xem đến chủ thể chính là cuốn sách

Hôm nay lấy ví dụ về đường Phan Đình Phùng nhiều rồi, thôi thì lần này di chuyển một chút qua con đường cắt ngay cạnh đó: đường Hoàng Diệu.

Đường Hoàng Diệu cũng là một điểm đến thu hút cho những ai chụp hình kỷ niệm. Mỗi mùa thu thay lá thì con đường này dường như lại càng nhộn nhịp hơn vì đơn giản, có quá nhiều không, gian, góc máy để một người thợ chụp tha hồ đặt chủ thể của mình vào khung hình.

Một trong các đường dẫn mà bạn đã xem đi xem lại nhiều lần nhưng chưa hiểu vì sao nó đẹp đó là việc sử dụng đường dẫn từ những chiếc lá cây đã rụng. Các nhiếp ảnh gia đã sẵn ý đồ với nó mỗi mùa lá rời cành. Họ đặt chủ thể phía xa xa, trước đó là những lá vàng xào xạc phần tiền cảnh (foreground) đóng vai trò hút ánh nhìn vào những gì phía sau.

Cô gái chạy bộ trong rừng

Credit: @filmazzarino/Unsplash

13. Những cây cầu

Vốn mình có ý muốn gộp chung phần này vào với phần các con đường, lối đi nhưng sau nhận thấy, có nhiều áp dụng đường dẫn sử dụng những cây cầu mà không phải lúc nào có có thể làm được cùng với các con đường, lối đi nên vẫn tách ra riêng biệt.

Cặp đôi trên cầu ngắm hoàng hôn

Hồ Tây 9/2020, Jessops SHR100/Date 2002

Dù là loại cầu nào thì đường dẫn vẫn hiển nhiên đóng vai trò quan trọng trong khung ảnh. Ví dụ, chụp một chiếc cầu khỉ, ngoài đường dẫn là lối đi, 2 bên tay bám phía trên lại bổ trợ giúp đường dẫn trong ảnh thêm phần mạnh mẽ.

Ví dụ dễ hình dung khi sử dụng đường dẫn trên cầu, lối đi, và nhiều thủ thuật khác là ở trong bài hát You & I của One Direction. Cùng thưởng thức âm nhạc và quan sát đạo diễn đã sử dụng đường dẫn ra sao nhé!

14. Nhiều nhiều thứ khác

Mọi thứ liên quan đến nghệ thuật đều gắn liền với sự sáng tạo. Phía trên là những gì mình quan sát thấy phổ biến và dễ nhìn ra nhất nhưng trên thực tế có rất nhiều đường dẫn cần bạn sáng tạo thêm.

Mình đã từng sử dụng những đoạn dây buộc hoa để chụp một bức hình của bà nội và mình cũng biết bạn từng tạo một đường dẫn khi chụp hình phong cách “follow me”. Sáng tạo không khó chút nào phải không?

Tây Tựu 5/2020, Google Pixel

Em gái châu á bên ánh đèn
Credit: Yuris Alhumaydy| Unspash

>>> Bài viết liên quan: Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh

D. Sử dụng Đường dẫn trong nhiếp ảnh như thế nào?

Khi trả lời câu hỏi của mọi người, mình luôn khuyến khích họ tự trả lời trước: Mục đích của việc này là gì? Đối với Đường dẫn trong nhiếp ảnh, mục đích sâu thẳm nhất là hướng con mắt người xem đến với chủ thể, để kể câu chuyện mà họ cần phải thấy, đó là điểm nhấn.

Để làm được điều này, trước khi bấm máy, bạn cần xác định rõ liệu đâu là chủ thể hay điểm nhấn của mình?

Có vậy bạn mới xác định được điều cần thiết tiếp theo: Làm sao để làm nổi bật chủ thể đó? Đến đây bạn sẽ bắt trí não mình sáng tạo ra phương án cho việc đặt chủ thể và đường dẫn ở đâu sẽ hợp lý.

Theo quy trình tư duy như vậy, mọi thứ kết hợp sẽ tạo ra khung hình đáng để tự hào.

E. Những lưu ý khi sử dụng đường dẫn trong nhiếp ảnh

  • Đường dẫn nên đi từ background rồi dẫn đến điểm nhấn chủ thể.
  • Nếu đưa đường dẫn vào từ góc màn hình thì bức hình nhiều khả năng sẽ đẹp hơn.
  • Nếu chụp toàn thân: Đường dẫn không nên đâm thẳng vào đầu chủ thể. Lỗi này dễ gặp phải ở các bạn chụp hình có nhiều đèn đường hay cây cối.
  • Đường dẫn đóng vai trò dẫn dắt thị giác đến chủ thể, không dùng đường dẫn làm điểm nhấn của khung hình trừ khi đó là một bức ảnh sử dụng những thủ thuật khác như đối xứng(symmetrical), bất đối xứng (asymemtrical), etc.

101 mẹo tạo dáng

>>> Đọc thêm: Golden Ratio/Tỉ lệ vàng trong nhiếp ảnh: Toán học thì liên quan gì đến nhiếp ảnh chứ?

F. Mẹo chọn địa điểm chụp hình tận dụng đường dẫn trong nhiếp ảnh

1. Những con đường khu đô thị với nhiều đèn đường 2 bên

Vạch kẻ đường rõ, ít người qua lại là lợi thế.

2. Những hàng cây

Mình tách ra bởi vì ngoài những con đường thì bạn có thể vào nhiều công viên, cách sắp xếp của họ cũng tạo rất nhiều đường dẫn cuốn mắt.

3. Đường tàu

“Cái này ai chẳng biết, nói thừa”. Ấy ấy, thế mà có người ra đường tàu lại chẳng tận dụng được tý đường dẫn nào đâu các bạn nhé! Nhớ, đưa đường dẫn 2 bên đường ray và khung đường tàu phía trên đưa đến chủ thể nhé! Nhiều bạn lười thay đổi góc máy nên đâu có chụp được hình đẹp ở đường tàu đâu.

4. Những cây cầu

Dĩ nhiên rồi. Chẳng bỗng nhiên mà mấy quán nước dọc đường Yên Hoa, Hồ Tây thu hút giới trẻ nhiều đến vậy. Đó là nhờ mấy cây cầu chòng chành của những người thu hoạch tôm buổi sáng được các cặp đôi tận dụng sống ảo vào buổi chiều.

Cặp đôi ngắm hoàng hôn trên cầu
Hồ Tây 10/2020, Jessops SHR 100/Date 2002

5. Những vườn hoa

Các vườn hoa có thiết kế dạng luống nên tạo nhiều đường dẫn giống như một cây cầu vậy, đặc biệt lại có thể tận sắc đẹp của hoa làm tiền cảnh và hậu cảnh nữa thì khung hình càng thêm đẹp.

Tây Tựu 2/2020, Superia Xtra 800/Date 2004

6. Các tiệm cafe phong cách cổ điển

Chúng có vô số những góc sống ảo mà bạn có thể dùng để chụp hình sử dụng đường dẫn. Từ khung cửa sổ, lối đi cầu thang, tới những hàng đèn, hàng ghế,… Chỉ cần tới sự sáng tạo của bạn thôi.

7. Cầu dành cho người đi bộ

Bạn còn nhớ anh chàng Akon tôi nhắc đến đầu bài viết chứ? Avatar youtube của anh ý sử dụng đường dẫn dạng vòm lặp lại. Cấu trúc này có thể tìm thấy tại những cây cầu đi bộ tại Việt Nam (mình không chắc anh ý có bay sang tận VN để chụp hình lấy avatar không nhé!).

Cầu đi bộ gần Ecopark 8/2020, Jessops SHR 100/Date 2002

8. Đường cao tốc, đường tàu trên cao

Các bạn sinh viên hẳn sẽ thích thú với phát hiện này bởi ai là sinh viên mà không có lần la cà cầu đường bộ ngắm ảnh đèn đường, khung cảnh nhộn nhịp của các làn xe phía dưới.

Nhưng có bao giờ bạn để ý ở phía trên là con đường trên cao tạo ra một đường dẫn hoàn hảo để sống ảo mà ai nấy đều bỏ lỡ lâu nay. Nhận ra điều này rồi thì vào một ngày gần nhất hãy thử chụp một khung hình với nó nhé!

9. Bất cứ đâu

“Sự thật sao nó luôn đắng ngắt như vậy?”, có lẽ bạn đang đặt tay lên môi ngẫm. Nhưng đúng vậy đó, và bạn có biết cái đặt tay đó cũng vô tình vừa làm đường dẫn đưa người ta từ ngón tay bạn hướng đến bờ môi quyến rũ đó?

Hmm! Ngẫm đi ngẫm lại, thấy thằng Con Hình Con Chữ nói cũng đúng!

Thấy không? Ở đâu mà không dùng được đường dẫn chứ!

>>> Đọc thêm: Tương phản trong nhiếp ảnh: Không phải cứ cao là đẹp

G. Lời kết

Vậy là mình vừa đi tất tần tật mọi thứ về Đường dẫn trong nhiếp ảnh, hy vọng nó đã giải thích cũng như truyền cảm hứng cho tất cả mọi người ngoài kia, những người có trong mình một chiếc điện thoại đủ để chụp hình.

Và đây là một bonus fact cho các bạn: cách đây hơn 1 năm, mình vẫn thường xuyên chụp hình bằng con điện thoại bàn phím Blackberry Bold 9900 và mình hài lòng với nó mãi cho đến khi không còn chịu đựng được tuổi thọ pin đi xuống của nó. Sau đó, mình đã chọn một em Google Pixel 2 có khả năng chụp hình đáng để tự hào. Nó củng cố tình yêu của mình với gã khổng lồ công nghệ Google hơn nữa. Nói vậy để cho mọi người thấy là chiếc điện thoại hay máy ảnh không phải giới hạn ngăn bạn có những tấm hình đẹp.

Cảm ơn mọi người đã đọc tới tận đây, nếu bạn thấy bài viết hữu ích hãy like, comment và share để lan tỏa những kiến thức này đến nhiều hơn nữa nhé!

Cảm ơn các bạn đã cho phép mình đăng hình, mình đều để credit các ảnh không phải của mình ở phần caption.

Mọi câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về Đường dẫn trong nhiếp ảnh cũng xin hãy để lại tại phần comment  phía dưới nhé!

*Bài viết chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, cũng mong các cao nhân trong nghề gõ đầu chỉ bảo ạ!

>>> Các bạn cũng có thể kết nối với mình trên các trang mạng xã hội qua Hashtag #conhinhconchu nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. https://digital-photography-school.com/how-to-use-leading-lines-for-better-compositions/
  2. https://time.com/3858309/attention-spans-goldfish/

Bài viết nổi bậtXem thêm

2 thoughts on “Đường dẫn trong nhiếp ảnh: Tại sao, ở đâu, làm thế nào?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status