Không hiếm gặp những người hễ cứ thấy mình tiêu tiền vào thứ gì đó lại chuẩn bị mở lời “Khiếp, chắc đắt lắm nhỉ?” Thực chất đó chỉ là một câu hỏi tu từ, ám chỉ “Sỹ diện! Cần gì phải mua mấy thứ tốn tiền đấy. Dùng cái này như tôi thôi cũng được rồi!”

Hôm nay tôi muốn nói về “hiện tượng chê bai người khác” vốn quá phổ biến, và gây phiền lòng nhiều người và để rồi xem, ai mới là người sỹ diện!

Với tôi, việc chê người bắt nguồn từ “cái tôi” của nhân vật. Cụ thể ở trường hợp trên, họ chê để bảo vệ cho cái tôi yếu thế (Inferiority). Khi đó, chê để phòng vệ (Self-defense).

Ví dụ, “anh có chiếc iPhone đời mới nhất, còn tôi không mua vì nhu cầu của tôi chỉ đây là đủ.” Lý lẽ này rất hợp lý. Nhưng, đối với nhiều người, nó trở nên cực đoan và bao biện: “Ôi dào ôi, chỉ là cái điện thoại thôi mà, cứ phải đời mới làm gì, có dùng hết đâu? Tôi dùng iPhone 6 thế này là đủ dùng rồi, chỉ nghe gọi thôi có chơi gì đâu, mất thời gian.” Ô! Nghe gọi thôi thì dùng iPhone 4, iPhone 5 cũng được rồi mà! (Ví dụ này, tôi gặp trong thực tế.)

Thấy không, họ bắt đầu lạc đề, chuyển qua chỉ trích sự lãng phí và cho rằng mua điện thoại xịn là thói khoe khoang hợm hĩnh. Thưa rằng có, nhưng không phải ai cũng mua điện thoại để thể hiện mình. Tôi bảo này, nhu cầu sử dụng điện thoại đời mới là có thật đấy, chỉ là bạn hẹp hòi chưa tìm hiểu được là chiếc điện thoại đó có khả năng chụp hình đỉnh, đã giúp đỡ một travel blogger rất nhiều trên hành trình của mình; chưa biết rằng chiếc điện thoại đó có cấu hình khủng với màn hình màu đẹp, giúp ai đó chơi game xả stress cuối ngày dài mệt mỏi; chưa biết rằng chiếc điện thoại sáng bóng ấy giúp làm đẹp hình ảnh của chủ sở hữu, giúp họ chiếm được sự tin tưởng từ đối tác,…

Xin, trước khi phê phán hay nêu quan điểm của mình, cũng nên mở lòng để nhìn sự xoay chuyển của mọi vật. Chúng ở đó đều vì có lý do cả. Nên, đừng vì bao biện cho cái sở thích cá nhân mà áp đặt lựa chọn của người khác, và trở nên phê phán.

Lời kêu gọi ở trên của tôi là thật lòng. Nhưng tôi nghĩ cũng không cần phải kêu gọi họ làm vậy bởi thực tế cho thấy rằng qua thời gian, những người hay chê bai người khác lại trở thành chính những người từng bị chê bai như vậy.

Trải nghiệm cá nhân tôi

Tôi từng chê rằng chụp ảnh bằng máy ảnh số làm mất trải nghiệm sống chậm và thứ “phiêu” đậm chất trữ tình, hoài cổ của nhiếp ảnh film, tôi từng là người nói không với sách điện tử vì cho rằng chúng làm mất trải nghiệm thực của trang sách giấy, sự âu yếm sắp xếp thành hàng ngăn nắp nơi bàn học. Nhưng, tôi nay là một người chụp ảnh số nhiều hơn bởi tính kinh tế và tiện dụng, tôi cũng sử dụng máy đọc sách Kindle vì sự tiện lợi và khả năng lưu trữ lượng sách vượt trội.

Chúng ta không thể khăng khăng đòi sống mãi với những giá trị cũ mà từ chối những giá trị mới. Chúng ta nên duy trì những giá trị cũ và tiếp thu những giá trị mới, dung hòa và tối ưu chúng. Nhờ lối suy nghĩ như vậy mà tôi chụp máy film khi có người book lịch chụp hoặc chụp vào những dịp ý nghĩa, còn chụp máy số khi đi chơi đâu đó cần chụp nhiều; Và, tôi mua và đọc sách giấy với những cuốn mình thực sự mong đợi, còn dùng máy đọc sách cho những chuyến đi xa.

Tôi nghiệm ra đừng cố chấp vì điều gì cả. Hãy thử mở lòng đón nhận điều gì đó, biết đâu nó sẽ đem lại lợi ích và thay đổi bạn. Tôi cũng nghiệm được rằng với bất cứ ai, lựa chọn của họ luôn có ý nghĩa, ta không nên phán xét mà nên học hỏi họ, nhất là những cái mới.

Nói đến đây, các bạn có thấy mình nên thử tìm hiểu về công nghệ Blockchain, tiền ảo, NFT, và vô vàn thứ công nghệ mới chưa?

>>> Kết nối với mình qua hashtag #Conhinhconchu trên các mạng xã hội nhé!

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status