Thời gian gần đây mình trở lại xem phim nhiều hơn và nó là khoảng thời gian mình không thấy uổng phí chút nào. Vẫn là một người kén phim và có xu hướng xem những phim tâm lý là chủ yếu nhưng thay vì chỉ chọn, mình đã thực sự ngồi xuống đi cùng những bộ phim đến cùng.

Khoảng thời gian này cũng là khi mình may mắn được xem 2 bộ phim được nhiều người yêu thích (IMDB đều trên 8 điểm). Trước tiên là phim “Joker” do Joaquin Phoenix thủ vai và đạo diễn bởi Todd Phillips, phim còn lại là “Tên tôi là Khan” do diễn viên nổi tiếng người Ấn Shah Rukh Khan đóng chính.

Có nhiều điểm chung cũng như trái ngược từ 2 phim truyện, 2 nhân vật này mà thôi thúc mình đầu tư thời gian phân tích điểm giống nhau giữa Joker và Khan– 2 người chịu chung áp lực của xã hội nhưng đã chọn những ngã rẽ hoàn toàn khác nhau.

Joker và Khan hình nửa mặt
Nhân vật Arthur Flex hay Joker và Khan có nhiều điểm chung nhưng số phận của họ rẽ hai hướng hoàn toàn khác nhau

Điểm giống nhau giữa Joker và Khan

Khán giả của 2 bộ phim hẳn phải cảm nhận rất rõ cái cảm giác buồn thay một cách bất lực cho 2 nhân vật chính. Đối với Joker, căn bệnh thần kinh như luôn ở đó để cản trở anh đến với con đường hòa nhập với xã hội. Trong khi, Khan là một cậu bé mắc bệnh tự kỷ rối loạn chức năng thần kinh, một rào cản thậm chí còn khó khăn hơn tình trạng của Arthur Flex (tên thật của Joker).

Được nuôi nấng bởi sức mạnh tình mẫu tử

Chúng ta thương Arthur Flex hay Joker và Khan cũng nhiều như cách ta yêu con người họ vậy. Và vì ta yêu con người họ, ta cảm phục sức mạnh của tình mẫu tử.

Đối với Arthur, anh luôn mang trong đầu lời dạy của mẹ “Hãy luôn mỉm cười và đặt lên mình khuôn mặt hạnh phúc”. Anh chưa bao giờ quên và thậm chí còn mang nó đến với show diễn cuối cùng của mình, show diễn mà Murray đã đem ra làm trò cười cho công chúng và khởi đầu cho chuỗi những điều tệ hại tiếp kéo đến với Authur – một kẻ yếu đuối về tinh thần. Trước bước ngoặt này, Arthur thực sự luôn nhận thức được căn bệnh và dù nó là căn bệnh khiến đôi khi anh không kiểm soát được mình: Cố gắng chọc cười cậu bé trên xe buýt, bị bà mẹ của thằng bé mắng không ra gì, buồn, thất vọng tột độ nhưng Arthur lại cười chua chát; đó là bởi căn bệnh có mầm mống từ tuổi thơ bị bạo hành khiến anh bộc lộ trái ngược với cảm xúc nội tại.

Thực tế, tiếng cười trên xe buýt là tiếng cười của tận cùng sự buồn tủi, thất vọng. Thất vọng hơn nữa khi anh cố gắng đưa bà mẹ tấm thẻ mô tả căn bệnh dị thường này, bà mẹ cũng chẳng mảy may quan tâm, và cũng chẳng thèm trả lại nữa như những gì được ghi trên đó: Vui lòng trả lại. Thất vọng hơn nữa khi tiếng cười đau nhói ấy còn chẳng hề động vào tâm trí của bất cứ ai trên cùng chuyến đi. Đến đây ta thấy rõ rằng, mọi người trong xã hội ấy không hề ruồng bỏ Arthur, họ ai nấy đều ruồng bỏ lẫn nhau.

Một lần khác, Arthur lại trở thành đối tượng để giễu cợt bởi đám trẻ bên đường. Là một nghệ sĩ hề tận hưởng công việc nhảy nhót không biết mệt mỏi đem lại niềm vui cho người qua đường, đem lại sự quan tâm cho cửa hàng, và đem lại nguồn sống cho anh và người mẹ bệnh tật ở nhà, nhận lại được là trò đùa quá mức chịu đựng, là trận đòn mà Arthur chỉ dám ôm đầu chịu trận, là biển hiệu quảng cáo bị đập vỡ để sau này nó trở thành cái cớ ông chủ muốn đuổi anh đi.

Nhưng sau những lần như thế, Arthur giữ trong tâm những lời mẹ dặn: “Sứ mệnh của con là truyền đạt niềm vui và tiếng cười cho thế giới”. Hóa ra, Arthur là kẻ tích cực nhất ta có thể tìm thấy ở Gotham lúc bấy giờ. Đó là sức mạnh của tình mẫu tử, sức mạnh của người mẹ dù không còn sức lao động từ rất lâu nhưng mọi điều tích cực vẫn được vun cấy nơi đứa con thiệt thòi của mình hàng ngày.

Về phía Khan, anh chàng mắc căn bệnh hiểm nghèo mà reo rắc sự chú ý của người xem ngay từ đầu, kéo dài đến tận cùng phim. Căn bệnh này khiến anh không khác gì một đứa trẻ tiếp nhận thông tin mà không thể chắt lọc. Bên cạnh đó là việc sợ sự tiếp xúc thể chất với mọi người xung quanh khiến Khan gặp khó khăn lớn khi giao tiếp. Nếu như xã hội không thèm để tâm đến sự hiện diện Arthur Flex thì xã hội của Khan thậm chí tẩy chay anh chàng tự kỷ.

Nhưng cũng giống như Arthur, Khan may mắn có người mẹ kiên nhẫn và thấu hiểu, người phát hiện ra sự khó khăn trong giao tiếp của Khan và cũng phát hiện ra khả năng ghi nhớ siêu phàm của cậu con trai để tìm cho cậu một người thầy có thể nhìn nhận và sẵn sàng giúp câu khai phá tiềm năng ấy. Về phía bà Ammi, mẹ của Khan, khoảng thời gian con lại bên con, bà cũng là một người thầy mẫu mực, người thầy chỉ dạy đúng một triết lý nhưng là người thầy đảm bảo là triết lý đó phải thấm nhuần nơi cậu học trò của mình: “Con hãy nhớ trên đời chỉ có 2 loại người. Người tốt làm điều tốt, người xấu làm điều xấu”.

Lời khuyên răn từ mẹ không chỉ có ảnh hưởng đến cuộc đời Khan theo cái cách mà Khan luôn hướng những hành động của mình theo những điều tốt đẹp. Nó giúp Khan lên tiếng bảo vệ những điều tốt đẹp và lên án những điều xấu xa nữa.

  • Nhờ bài học này, mà Khan “dị hợm” dần chiếm trọn tình cảm của Madira và cậu con trai Sam.
  • Nhờ bài học này mà Khan sẵn lòng giúp đỡ một đứa trẻ bị thương do ngã xe và hòa nhập vào một cộng đồng Công Giáo da màu. Đó là bước tiến lớn trong con người Khan; nay anh đã làm điều mà anh luôn hối hận đã không làm được với người con trai Sam bị sát hại do nạn phân biệt chủng tộc: “Tôi hối hận vì không thể biểu lộ cảm xúc trong tâm mình cho Sam hiểu”.
  • Nhờ bài học này mà Khan đã thay đổi, gắn kết cả nước Mỹ sau sự kiện khủng bố 11 tháng 9.

Đúng vậy người tốt thì không phân biệt màu da, sắc tộc, hay tôn giáo, người tốt là những người hiểu cái tốt một cách thuần túy, “không bộ lọc” như Khan, và người tốt thì phải làm điều tốt.

Sẽ chẳng quá nếu ta khẳng định cả Arthur và Khan đều là những sản phẩm ưu tú đến từ những bài học của mẹ.

Niềm tin vào cái tốt trong xã hội

Đây là quan điểm dễ thu hút sự phản đối nhưng mình chọn để viết không phải vì nó có thể gây phẫn nộ, tranh cãi và nhiều người đọc, share bài viết này hơn mà thực tế đó là những gì mình nhìn thấy từ trong con người Arthur-Joker và Khan.

Trước khi Arthur trở thành Joker ở tàu điện ngầm, đã có một Arthur nhìn đời, nhìn xã hội một cách đầy dung thứ. Đó là nhờ lời mẹ dặn về sứ mệnh đem lại niềm vui cho mọi người “luôn đặt lên mình một khuôn mặt hạnh phúc”. Có lẽ nhờ những dạy bảo của mẹ, Arthur mới bắt đầu nung nấu ước mơ trở thành một diễn viên hài kịch chứ không phải ước mơ trở thành một diễn viên hài kịch giúp mẹ cậu chọn ra những lời khuyên như vậy.

Niềm tin vào cái tốt trong xã hội thể hiện trong cái cách Arthur phản ứng mỗi lần bị đối xử bất công. Khi bị những đứa trẻ đường phố đánh cắp biển hiệu và đánh đập, không một câu từ chửi thề nào phát ra từ miệng Arthur; chửi thể chỉ dành cho mục đích hạ thấp giá trị của người khác, còn anh thì thông cảm và chấp nhận những hành xử thô lỗ của đám trẻ.

Sau đó, câu chuyện về lũ trẻ hành hung Arthur đến tai đồng nghiệp to béo Randall. Người đồng nghiệp đưa cho anh một túi bọc mà bên trong là khẩu súng tay. Thấy là Arthur từ chối ngay vì cả đời chưa bao giờ anh nghĩ mình cần dùng đến nó: niềm tin vào con người trong anh vẫn còn đó. Nhưng gã đồng nghiệp Randall thì không nghĩ vậy, hoặc hắn đang muốn Arthur nghĩ vậy. Thực ra đây mới là giây phút tội ác nhen nhóm nơi Arthur chứ không phải giây phút ẩu đả trên tàu điện ngầm. Xuyên suốt phim, mỗi lần Joker có hành vi bạo lực thì đều gắn với khẩu súng đó hay nói cách khác, khẩu súng là biểu tượng của bạo lực rấy lên trong còn người Arthur, biến anh trở thành Joker!

Thực tế về mặt cảm xúc, Khan thua kém Arthur rất nhiều. Khan gặp vấn đề trong việc biểu lộ cảm xúc, điều làm anh áy náy rất nhiều sau khi con trai Sam mất. Còn Arthur thì cảm xúc trọn vẹn nhưng anh kìm nén cảm xúc tiêu cực quá nhiều sau mỗi bất công mình nhận phải, nếu không thì cũng biểu lộ nó hoàn toàn trái ngược vì căn bệnh tâm thần.

Bài phát biểu tiễn biệt người con của bà chủ trọ. Khan kể về câu chuyện cảm động về con trai Sam

Cảm xúc thiếu rất nhiều nên con người Khan cũng mang nhiều tính logic hơn là cảm xúc. Do đó, những lời khuyên bảo của mẹ Ammi hoàn toàn giúp định hình con người của Khan: phải trở thành người tốt. Và bởi mẹ luôn nhắc nhở anh hãy chọn trở thành một người tốt, anh cũng chọn cách nhìn đời như là một xã hội tốt đẹp của những người tốt.

Chứng kiến Khan chiếm trọn yêu thương từ mẹ, trong khi người thầy riêng của anh trai đang biến anh thành ngôi sao học tập, em trai Zakir tìm mọi cách trả đũa người anh. Nhưng ngay cả những điều tệ nhất từ đứa em đố kĩ, phẫn uất cũng không làm cho Khan thay đổi cái nhìn về cậu em trai.

Bước ngoặt của Khan – theo như những gì anh viết lại vào nhật ký đến vào cái ngày Sam mất và vợ Madira đổ hết lỗi lầm lên đầu anh “vì anh là thằng đạo Hồi mà con trai tôi phải chết” nhưng những lời tổn thương nhất ấy không khiến anh thay đổi cái nhìn về cô. Anh ra đi nhưng ra đi để trở về, và lần trở về này sẽ chứng minh tình yêu của anh với Madira , thực hiện lời hứa với Madira: “gặp Ngài Tổng thống và nói với ngài ‘Tên tôi là Khan. Tôi không phải khủng bố’”.

Kết luận

Trong khi xem “Tôi là Khan” mình luôn liên tưởng đến nhân vật Arthur Flex trong Joker vì có nhiều điểm tương đồng cho 2 con người không may mắn. Nhưng cuối cùng, họ đã chọn 2 ngã rẽ trái ngược hẳn nhau: Khan trở thành biểu tượng của con người theo đuổi cái tốt; Arthur chọn bạo lực để thể giải quyết thứ xã hội anh không còn coi trọng.

Mình hy vọng bài viết về điểm giống nhau giữa Joker và Khan này đem lại thêm những góc nhìn mới cho mọi người. Mọi người hãy ủng hộ và theo dõi những bài viết mới của mình nha!

>>> Các bạn cũng có thể kết nối với mình trên các trang mạng xã hội qua Hashtag #chinhhunky nhé!

Bài viết nổi bậtXem thêm

4 thoughts on “Joker và Khan giống nhau ở điểm nào?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status