Mình có một nhóm nhiếp ảnh trên facebook. Hồi mình lập nó là muốn tạo ra một nơi mà mọi người có thể cùng nhau chia sẻ ảnh, giúp nhau cải thiện kĩ năng chụp hơn. Đặc biệt trong nội quy nhóm có nhắc đến rất rõ: Mọi người tôn trọng, lịch sự, động viên nhau, giúp nhau chụp ảnh đẹp hơn! Nhưng thời gian gần đây có vẻ nó đã đôi phần chệch hướng.
Sáng nay, mình mới đồng ý cho xuất bản bài của một thành viên mới. Bài viết là tổng hợp nhiều bức ảnh cháy sáng của tác giả. Các bức này cháy sáng gần hết và hầu như không có chủ thể.
Thế là khi bài viết được đăng thì nhận được vô cùng nhiều bình luận tiêu cực hướng đến tác giả kiểu như: “chẳng hiểu đẹp ở đâu?”, “chia sẻ à? Chia buồn thì có!”,… và rất nhiều bình luận gắt gỏng hơn thế, đúng kiểu ném đá hội đồng!
Điều mình thấy lạ là: Tại sao họ lại dành thời gian quan tâm những thứ mình không thích nhỉ? Nếu các bạn không thích một bức ảnh thiếu chủ thể, thì bạn chỉ việc lướt qua thôi, sao nhất thiết cứ phải dừng lại để đệm thêm một viên gạch?
Nghĩ về câu chuyện hôm nay làm mình nhớ đến 2 điều mà mình vẫn luôn mong muốn được chia sẻ.
1. Xã hội quen với việc chỉ trích
Có rất nhiều bức ảnh trong nhóm đẹp, đáng được quan tâm (chính những người chỉ trích kia nói vậy) nhưng nhiều thành viên lại chọn những bức ảnh họ cho là chưa đẹp để phê phán. Họ nhận được gì?
Chỉ trích để có cảm giác an toàn
Tâm lý học cho rằng phần lớn người ta chỉ trích là bởi cảm giác thiếu an toàn. Vậy việc thiếu an toàn này có liên quan gì đến nhóm nhiếp ảnh kia?
Rất liên quan!
Việc chỉ trích giúp họ thể hiện được tiếng nói của mình rằng: Tao biết chụp ảnh và tao biết chiếc ảnh này xấu, thế nên tao mới ở đây để chỉ trích!
Và khi tiếng nói của họ được nghe thì nó dẫn đến một sự tự nhận thức rằng: Tao được công nhận. Vì tao được công nhận nên tao tự tin hơn.
2. Tính chất xã hội của một vấn đề
Quen với việc chỉ trích người khác dẫn đến một bản năng mới của con người trong xã hội thời nay: Rất dễ kích thích những tiếng nói tiêu cực mỗi khi một vấn đề tiêu cực được bày ra.
Ngày trước mình từng đọc một cuốn sách có tựa đề “Hiệu ứng lan truyền” của nhà Marketing danh tiếng Jonah Burger. Ông lấy ví dụ về một quảng cáo dạng tư liệu rất hay của hãng quảng cáo lẫy lừng Ogilvy:
2 đứa trẻ cầm trên tay điếu thuốc và tiếp cận những người trưởng thành hút thuốc trên phố, sau đó hỏi mượn họ một chiếc bật lửa. Nhận được tín hiệu, những người trưởng thành này lập tức từ chối và khuyên mấy đứa trẻ không nên học đòi:
– Không, cháu còn quá bé!
– Há? Mấy thứ này sẽ sẽ đục một lỗ trong cổ họng của cháu, làm cháu ung thư đấy! Không sợ phải phẫu thuật à?
– Thuốc lá có chất độc.
– Hút thuốc sẽ khiến cháu già khụ đấy!
– Nếu cháu hút, cháu sẽ chết nhanh hơn. Thế cháu không muốn sống để nghịch ngợm à?
– Cháu biết nó không tốt phải không? Hút thuốc khiến ung thư phổi đấy!
2 đứa trẻ sau đó đưa cho những người này một tờ giấy và dời đi. Tờ giấy viết: “Cô/chú lo cho cháu. Nhưng tại sao không tự lo cho mình? Tự nhắc nhở bản thân là lời nhắc nhở hữu hiệu nhất để giúp mình bỏ thuốc!”
Jonah Burger sau đó giải thích rằng: hành vi mang tính xã hội, còn suy nghĩ mang tính cá nhân. Những người lớn đó hoàn toàn nhận thức được việc hút thuốc là không tốt nhưng họ vẫn hút là bởi trong vòng tròn xã giao của họ, ai cũng hút.
Bởi vì hành vi mang tính xã hội, nên chúng rất dễ được lan truyền, đặc biệt trên thế giới mạng.
Bài viết được nhắc tới trong nhóm của mình có lẽ đã chẳng làm bùng lên những bình luận không hay nếu như một người đầu tiên, hai người đầu tiên không bình luận tiêu cực. Nhưng bởi vì bắt đầu phần comment là những sự công kích nên những người tiếp theo nhìn vào bài viết đã tham gia vòng xã hội của những chỉ trích đó. Và khi họ đã vào vòng xã hội này, hành vi của họ cũng đôi phần bị tác động trong vô thức.
Nếu các bạn từng đọc bài viết cũ về sự tích cực trên trang web của mình, hẳn còn nhớ đến giải thích về sự “hai mặt” của bản thân. Phải vậy, chúng ta là đa nhân cách, và tùy vào vòng tròn xã giao/xã hội, chúng ta rất có thể biến hóa mình như tắc kè hoa để gia nhập cộng đồng ấy.
>>> Bài viết liên quan:
- Chủ động kiến tạo giai điệu cuộc sống
- 3 điều giúp thay đổi bản thân để tốt hơn: Đặt xuống chiếc mặt nạ
Làm sao để thoát khỏi cạm bẫy ném đá hội đồng
Mình chẳng tự hào là người có thể kìm nén cảm xúc bản thân để có thể tránh công kích và chỉ trích người khác, nhưng những chia sẻ dưới đấy là những kinh nghiệm của cá nhân, hy vọng có thể giúp ích được cho những ai muốn rèn luyện kĩ năng này.
1. Rèn luyện kĩ năng đồng cảm
“Những người bạn gặp đều đang phải chiến đấu với một điều tồi tệ nào đó mà bạn không biết được. Hãy luôn tử tế. Luôn luôn nhớ lấy điều này!” – Robin Williams.
Xưa nay, 90% mình là người ít nói. Có lẽ vậy nên mình lắng nghe nhiều hơn, và ít phản ứng mạnh hơn trong các tình huống. Mình biết ơn điều này, vì cảm xúc bộc phát rất dễ khiến người ta tự biến ta thành trò hề.
Còn điều nữa, nó giúp mình có thời gian suy xét và khi có thời gian suy xét, chúng ta có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn.
Lúc đó, để không bị cuốn vào lửa của sự đôi co, mình cố gắng hiểu về cảm xúc của đối phương. Hãy hiểu rằng ai cũng có những vấn đề riêng khiến họ mất bình tĩnh. Bị sếp quở trách cũng bức xúc lắm chứ, nhưng ta đâu biết sếp cũng vừa bị sếp tổng cho một trận vì kết quả làm việc của toàn team không tốt.
Abraham Lincoln có câu nói rất hay và mình nhớ mãi: “Hãy đối xử thật tử tế với những người rắc rối bởi họ là người cần điều đó nhất (sự tử tế)”. Hãy luôn nghĩ về những khó chịu như là lý do để mình cố gắng xoa dịu, giúp đỡ người khác, chứ không phải để đôi co, trả đũa.
2. Sống là chính mình
Tiềm thức luôn uốn nắn hành vi của bạn mỗi khi bạn bước vào một cộng đồng/môi trường nào đó mới. Nó có quyết định con người bạn không?
Tổng thống thứ 40 (2010-2015) của Uruguay, ngài Jose Mujica là một tổng thống lạ thường. Không giống bất kỳ lãnh đạo nào khác, những người có xe đưa đón là một chiếc Limousine hay chí ít cũng là một chiếc Mercedes hạng S, ngài chọn đi chiếc Volkwagen Beetle đời 1987 của mình. Mark Zuckerberg, hiện đang là người giàu thứ 3 thế giới và là một trong những CEO công nghệ nổi tiếng nhất, cũng chỉ lái chiếc xe Honda Jazz đời cũ. Điều gì khi khiến họ sống với danh vọng mà lại sống như thể không có danh vọng?
Đó là bởi họ sống là chính mình.
Nguyên tổng thống Jose Mujica vẫn là một người nông dân giản dị, dùng chiếc xe Beetle trở nông sản trước và sau khi được làm tổng thống. Mark Zuckerburg vẫn đi chiếc xe Honda Jazz, mặc chiếc áo thun cũ trước và sau khi Facebook và anh trở nên nổi tiếng.
Sự thay đổi địa vị dắt họ đến với những góc khác của cuộc sống, tiếp xúc với vòng tròn xã hội khác đi, nhưng không thể thay đổi con người của họ.
Chúng ta có thể giống họ chứ? Chúng ta có thể ngồi chung một nồi lẩu mà không cần chè chén, chúng ta có thể ngồi trà đá mà không cần bắn bi thuốc lào, và chúng ta có thể đọc bình luận mà không hùa vào ném đá hội đồng. Tại sao không?
>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của tôi và mong muốn góp ý, tôi viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng Một [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, tôi sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3