Đối với tôi, mỗi bức hình kể về những thứ dung dị, đời thường, có tận dụng những chất liệu có sẵn và sự sáng tạo bất chợt của người cầm máy thì được gọi là một bức ảnh đường phố.
Như vậy, cũng có thể phần nào gây nhầm lẫn với ảnh tư liệu. Nhưng ảnh tư liệu thì thường thu gọn lại tới một chủ đề, con người, và hoạt động trong một phạm vi có sẵn. Còn, nhiếp ảnh đường phố thì mở hơn, và có nhiều góc nhìn khác hơn, cái chất của tác giả cũng được thể hiện nhiều hơn.
Do đó, đôi khi nhìn vào những tác phẩm nhiếp ảnh đường phố, tôi như có thể hiểu về con người của tác giả những tấm ảnh đó.
Về bản thân, cái phẩm chất mà tôi nhìn thấy nhiều nhất ở những người chụp ảnh đường phố là tính sáng tạo và hài hước vô bờ bến. Điều này được thể hiện qua cách họ sử dụng thủ pháp Juxtaposition, được hiểu nôm na là hiện tượng các thành phần trong ảnh tại một khoảnh khắc “trời ban” đã tạo ra tác động thị giác lạ lẫm.
Xét cho cùng, nhiếp ảnh đường phố sẽ cho ra một bức ảnh mà ở đó nó kể lại một câu chuyện về con người trong xã hội hoặc một khung hình có sự cuốn hút về thị giác, hoặc cả 2. Thế nên, cũng giống như 2 trường phái trong văn học là “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”, một bức ảnh đường phố rất dễ gây phản ứng trong một cộng đồng người chưa hiểu về nó (từng xảy ra rất nhiều ở nhóm Phân tích ảnh: Vì sao nó đẹp?).
1. Sáng tạo trong nhiếp ảnh đường phố
Cũng đã trình bày ở trên khi định nghĩa về nhiếp ảnh đường phố, bản thân tôi thấy rằng tất cả những con ảnh sáng tạo của mình đều diễn ra bất chợt trên mỗi bước chân, mỗi con đường mình từng đi. Như bức hình dưới đây, được chụp trên đường đi ăn cỗ một đồng nghiệp cũ. Tôi đỗ xe và chụp một biển báo đang ngã bên đường, tôi đặt tên nó là “Ngã rẽ cuộc đời” vì thực sự, nó đúng là ngã rẽ thay đổi một đời người.

Lời khuyên
Mỗi người một cảm nhận, sẽ có những cách sáng tạo khác nhau khi cầm máy chụp lại những khoảnh khắc đời thường. Do vậy, lời khuyên duy nhất tôi có thể khuyên mọi người là hãy chăm chỉ cầm máy lên và đi, thì ắt cái cảm quan nghệ thuật sẽ tự nhiên dẫn lối.
2. Làm sao để ghi lại khoảnh khắc đời thường
Những thứ đem lại cảm xúc, sự đồng cảm, thương cảm rất dễ động đến trái tim và lan tỏa. Do vậy, những tấm ảnh ghi lại cuộc sống con người, đặc biệt tầng lớp lao động rất được quan tâm.

Tôi cũng quan tâm đến những tấm hình kiểu này vì ngay từ ngày đầu thích nhiếp ảnh, tôi quan niệm chụp ảnh là để ghi lại những khoảnh khắc của người khác, để sau này nhìn lại, đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Còn nhớ, cô giáo chủ nhiệm, rồi bạn bè cấp 3 ai cũng một thời khiếp đảm mỗi khi có tôi kế bên cùng chiếc điện thoại, vì họ biết tôi có thể biến họ thành phẩm của một khung hình bất cứ lúc nào. Thực tế, vẫn còn những con hình “ối giồi ôi” trong máy mà chưa bao giờ có người biết đến sự tồn tại của nó, và tôi vui vì điều đó haha…
Còn về sao để chụp được những khoảnh khắc đời thường thì tôi xin phép chia sẻ ở dưới đây.
2.1 Mẹo chụp ảnh đường phố ghi lại khoảnh khắc
2.1.1 Xây niềm tin, gỡ rào cản
Kinh nghiệm của tôi là di chuyển qua lại, giả như mình đang chăm chú quan sát thứ gì đó để gây được sự chú ý của đối tượng rồi tiếp cận bằng họ một nụ cười. Lúc này, tín hiệu của sự tin tưởng và kết nối đã được trao đi, và rất có khả năng bạn cũng nhận lại được tín hiệu tương tự để bạn và đối tượng được đặt trên cùng một tần số. Bạn cũng có thể mở ra một câu chuyện nho nhỏ sau đó để gắn kết với chủ thể kia hơn nữa trước khi xin chụp một tấm hình.
Đến đây thì những rào cản của sự nghi hoặc đang dần được tháo gỡ, bạn chỉ cần đợi đến độ chín của khoảnh khắc để chụp hoặc xin phép được chụp “giây phút làm việc” của họ.
Tôi vẫn thường tiếp cận và hỏi như sau: “Con chào chú, con hay đi quanh phố phường chụp lại những khoảnh khắc làm việc của mọi người, con thấy chú đang sửa quạt hăng say quá, con xin phép có một tấm hình của chú được không?” Chiêm thêm một vài câu chuyện nhỏ với họ, và rồi tôi được chụp. Đừng quên hỏi số liên lạc Zalo để có thể gửi hình full HD “không che” cho họ nhé!
Nếu đối tượng bạn hướng đến là một người bán hàng, việc mua một món hàng trước khi chụp sẽ như là một phép màu tháo gỡ hết rào cản giữa bạn và người ấy. Thử mà xem!

2.1.2 Chụp trước, hỏi sau
Có những khoảnh khắc phải chụp ngay, không thì mất tự nhiên và phí hoài khoảnh khắc lắm. Thế nên, cứ tự tin “lén lút” mà chụp. Đi qua họ, giả vờ như chẳng quan tâm, rồi nhân lúc họ không để ý thì tạch một phát. Chụp xong thì thăm thú xem họ có để ý hay bất bình gì không để giải quyết bằng một nụ cười, và lý lẽ đủ thuyết phục.
Về quyền riêng tư, đối với những tấm hình rõ mặt của đối tượng, bạn cần hỏi xin phép để được sử dụng sau này.

>>> Các bài viết chia sẻ về nhiếp ảnh khác:
- Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
- Đường dẫn trong nhiếp ảnh: Tại sao, ở đâu, làm thế nào?
- Background chụp hình: Chúng ở khắp mọi nơi, tận dụng sao đây?
Nhiếp ảnh đường phố kể về người cầm máy như thế nào?
Là cảm nhận cá nhân thôi. Việc cầm máy chụp ảnh đường phố, đối với tôi, là để thỏa mãn bản thân, giúp bản thân thể hiện tiếng nói, cái nhìn, hoặc mong mỏi của mình qua ảnh.
Nhìn lại những giai đoạn chụp hình, tôi mới giật mình thấy rằng không phải lúc nào mình cũng có chung một “không khí” khi chụp, mà nó phụ thuộc nhiều vào tâm trạng, con người của tôi lúc đó.
Suốt quãng thời gian năm 2019 tôi chỉ quanh quanh phố phường chụp lại những bước đi rất thường nhật của con người Hà Nội trên phố.

Đến năm 2020, tôi thích đeo máy ảnh rong ruổi sang các khu vực ngoại thành thành phố, chụp lại khung cảnh lao động của con người nơi đây.

Rồi sang năm 2021, tôi bắt đầu chụp lại mọi thứ xung quanh bằng những góc nhìn hài hước của mình.

Nghĩ lại, tôi nhận thấy rằng, năm 2019 tôi bị cuốn vào những con người giống mình, những người làm công ăn lương chốn văn phòng, những người dành mọi sự khoái lạc nhất vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ. Năm 2020, tôi mong muốn ghi lại những khung cảnh lao động của người dân ngoại thành vì tôi sợ sẽ sớm thôi, chúng sẽ chịu chung số phận như nơi tôi sinh sống: Đất ruộng dần biến mất và thay vào đó là những công trình mới. Năm 2021, tôi mong mỏi ảnh của mình sẽ đem lại niềm vui, trước tiên là cho mình, và sau đó là những người xem ảnh: Sống tích cực, sống là phải vui!
Qua trải nghiệm cá nhân, tôi tin rằng, những người chụp ảnh đường phố khác cũng vậy, sử dụng nó như phương tiện để thể hiện góc nhìn, quan điểm, và mong mỏi của mình. Và, có một điều tôi tin là: Những nhiếp ảnh gia đường phố đều rất sáng tạo, vui vẻ, và yêu đời. Còn bạn, bạn nghĩ sao? Để lại ở phần comment nhé!
>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!

Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của tôi và mong muốn góp ý, tôi viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do tôi thích chụp ảnh đen trắng Một [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, tôi sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3