“Đối với chúng ta, nói là một nhu cầu nhưng nghe là một nghệ thuật.” – J.W. von Goethe.
—
Thực sự là phải ngượng lắm mới dám thú nhận là tới gần đây tôi mới biết về ngài Johann Wolfgang von Goethe qua một cuốn sách ngài sử dụng kinh nghiệm từ quan sát để bàn về màu sắc. Thật khâm phục sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu đa lĩnh vực xuyên suốt cuộc đời của ngài. Và rồi, tôi thấy tiếc nuối vì sao ngày xưa ham chơi, lười học, lười đọc để bỏ lỡ những kiến thức, những cuốn sách của những con người vĩ đãi ấy. Thôi thì đành cố gắng bù đắp ở hiện tại và tương lai vậy.
Dù chưa biết nhiều về ngài, nhưng có 2 câu nói mới nghe qua tôi đã thích lắm đó là:
– Sự hoài nghi gia tăng cùng với sự hiểu biết.
– Đối với chúng ta, nói là một nhu cầu nhưng nghe là một nghệ thuật.

2 câu này có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy mỗi người. Nhưng với tôi, chúng dù được ngài von Goethe nhắc tới riêng rẽ, thấy chúng có sự liên kết.
“Sự hoài nghi gia tăng cùng với sự hiểu biết.”
Ai cũng hiểu câu này nói về việc khi trí tuệ, kiến thức của chúng ta càng nhiều, óc phán xét của chúng ta càng tăng. Hiểu ngược lại cũng được, nó có nghĩa, khi bạn trở nên hoài nghi về mọi thứ bày ra trước mắt, thì bạn sẽ tư duy và phát hiện ra sự hiểu biết mới. Tóm lại, càng giỏi, càng hoài nghi và càng hoài nghi thì càng giỏi.
Bản thân tôi thấy đúng là nhiều người càng giỏi, lại đâm ra càng hoài nghi khả năng của người khác, dẫn đến phê phán. Ở những người có nhu cầu thể hiện mình cao, họ thậm chí trở nên rất nặng chỉ trích.
“Đối với chúng ta, nói là một nhu cầu nhưng nghe là một nghệ thuật.”
Nhiều thứ yếu kém, khi ta nhìn thấy, chỉ muốn dẹp cho xong, hay lôi cái kẻ làm ra nó để mắng cho một trận mới hả dạ. Đó là bởi nhu cầu thể hiện quan điểm, thái độ của con người là không tránh khỏi. Thế nên, có mấy ai làm được việc “nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn”?
Để làm được điều đó, ta phải giảm bớt phần “tôi” đi, và nhìn về phần “người ta” nhiều hơn, tức là đồng cảm nhiều hơn.
Trong cuốn sách Dám bị ghét của 2 tác giả Fumitake Koga và Ichiro Kishimi, nhân vật Triết gia có giải thích cho chàng trai trẻ lý do vì sao anh là một người dịu tính nhưng một lần đang đọc sách, bị anh nhân viên đổ trà vào áo mới, đã nổi khùng lên và quát té tấp. Triết gia kết luận rằng mấu chốt nằm ở Mong muốn (goal) của cậu ta. Chẳng qua chỉ là cậu ta muốn hét lên cho thoả và cậu ta không kiềm chế được cái mong muốn đấy nên cậu ta làm vậy thật. Thử hỏi, nếu cậu ta cầm trên tay một con dao, chẳng lẽ cậu sẽ đâm luôn người phục vụ sao? Không, lúc đó chàng trai dịu tính ấy sẽ lại kiềm chế được!
Tôi lấy ví dụ trên để cho mọi người thấy rằng, việc tức giận với ai, công kích ai là những điều đều có thể kiểm soát. Và việc kiểm soát được hay không và kiểm soát được bao nhiêu phần sẽ kể rất nhiều điều về một người. Đặc biệt, trên môi trường mạng nơi mọi người có thể thoải mái để lại những bình luận về những điều chưa tốt, chưa đẹp, những điều chưa vừa ý mình, nếu bạn ích kỷ, thì bạn thoải mái bung lời công kích, thể hiện quan điểm cá nhân; nếu bạn lịch sự, tử tế, bạn sẽ đồng cảm, xoa dịu, và giúp đỡ người khác nhiều hơn. Mấu chốt là, bạn muốn là người như thế nào?
Ôi yêu J.W. von Goethe quá! Phải nhắc lại câu nói của ngài mới được: “Đối với chúng ta, nói là một nhu cầu nhưng nghe là một nghệ thuật.” Hãy cũng biến nói trở thành một nghệ thuật!
>>> Tìm hashtag #conhinhconchu để thấy mình trên mạng xã hội nhé!

Đọc bài này, chị nhớ đến hai câu đã từng đọc, nhưng không còn nhớ nguồn:
– Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm nhường.
– Có những người nói cả đời vẫn còn ít, còn có những người cả đời nói một vài câu cũng đã là nhiều.
Câu này “…càng giỏi thì càng hoài khi khả năng của người khác hay dẫn đến phê phán thì chị nghĩ ngược lại. Người càng ít hiểu biết, càng dễ dẫn đến ảo tưởng về kiến thức, khả năng của mình và đặt mình lên trên người khác dẫn đến phê phán. Còn người giỏi thực sự sẽ dễ nhận ra được giới hạn của bản thân và người khác để biết điểm dừng trong một cuộc đối thoại.
Lấy ví dụ từ hai nhân vật em đề cập trong bài viết là chàng trai và triết gia trong cuốn “Dám bị ghét” đi. Chúng ta thấy giọng điệu phê phán đến từ phía chàng trai, còn triết gia là lý giải.
Về câu “Sự hoài nghi gia tăng cùng sự hiểu biết” em vừa có trải nghiệm tại một cộng đồng nơi phần lớn những người có chuyên môn thay vì góp ý xây dựng, lại thành ra chỉ trích sự yếu kém của người khác. Đó là lý do em được thúc đẩy viết bài này luôn. Nên em thấy dù có những người giỏi, nhưng giỏi cái gì mà thiếu sự tôn trọng, và có cái tôi quá lớn thì họ vẫn sẽ có xu hướng muốn công kích người khác chị ạ.