Một phim truyện chiến tranh nhưng không vương máu của súng đạn. Một nhân vật chính chiếm trọn tình yêu của người xem nhưng không vì anh đã giết bao nhiêu kẻ địch, đứng vững sau bao cực hình, hay chỉ huy bao lớp quân lính. Louie vẫn nghiễm nhiên đi vào tim của người xem bởi ý chí kiên định, vững vàng, và sự khoan dung, độ lượng với chính những con người phàm trần đã reo rắc nỗi kinh hoàng nơi anh.

Đó là sự khác biệt mà Angelina Jolie cùng đội ngũ đã thổi vào phim “Unbroken” (Bất Khuất). Sẽ thật không phải nếu một người yêu thích những bộ phim tiểu sử như mình thờ ơ với việc review phim Unbroken (Bất Khuất) do Jack O’Connor, diễn viên người Anh thủ vai chính.

Năm 2014, thế giới phải chịu nhiều mất mát với sự ra đi của nhiều cái tên đáng kính trọng. Nếu như làng phim sẽ còn vương vấn mãi Robin Williams, diễn viên gạo cội nổi tiếng với những dự án vun thúc lối sống tích cực, thì làng thể thao còn day dứt mãi cái tên Louie Zamperini, người từng góp mặt trên đường đua Olympics tại Đức và có cơ hội bắt tay với Hitler trước khi phục vụ quân đội Mỹ, rồi làm tù nhân trên đất Nhật.

Nếu như Robin Williams khiến mọi người hình dung về một cái chết tức tưởi: tự sát vì stress, thì dù Louie Zamperini ra đi vì tuổi già sức yếu, các thế hệ về sau vẫn sẽ kể mãi những câu chuyện về cuộc đời của ông như một con người nhân văn đã sống thật trọn vẹn.

Louie mất trong bối cảnh mà chỉ 8 tháng nữa thôi thì bộ phim về cuộc đời ông sẽ được công chiếu. Nó lại càng khiến cho bộ phim nhận thêm nhiều sự quan tâm, thu về 163.4 triệu Đô la Mỹ từ kinh phí 65 triệu đô la.

Nhưng ta không thể nói cái chết của Louie Zamperini là đòn đẩy cho sự thành công của bộ phim đạo diễn bởi Jolie được, mà thực sự, bộ phim đã đem đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Review phim Unbroken (Bất Khuất)

Bất Khuất được kể đan xen giữa những giây phút thật và hồi tưởng trong quá khứ. Nó bắt đầu bằng trận oanh tạc hòn đảo Nhật đầu tiên và máy bay của nhóm phải may mắn lắm mới có thể hạ cánh xuống căn cứ trong tình trạng mất phanh.

Nhìn lại tuổi thơ ngỗ nghịch

Giữa những giây phút cam go của đời mình, Louie nhìn lại tuổi thơ ngỗ nghịch, đó là khi cậu trở thành mục tiêu bắt nạt vì là một “thằng Ý” di dân chẳng biết tẹo tiếng Anh nào.

Mặc kệ chúng, Louie chưa bao giờ cho phép mình đầu hàng. Tuổi thơ ấy giúp phần cấu thành bản lĩnh của cậu sau này: Không bao giờ quỵ lụy trước kẻ thù và dù có ăn đòn roi thì sẽ luôn nuốt nỗi đau vào bên trong, không hé răng than nửa lời.

Nếu như ở tuổi thơ, cậu là một đứa trẻ cứng đầu, ưa phá bĩnh, lớn lên dần cậu biến cái gan của mình thành một người không thể gục ngã.

Và nếu cậu là anh hùng trong lòng người hâm mộ, anh trai Pete Zamperini hẳn là anh hùng của cậu bé Louie. Trong một lần đến trường đua nơi anh trai Pete thi điền kinh, Louie láu cá chui xuống dưới phần ghế khán đài nhìn trộm các chị gái mới lớn.  Louie láu cá bị phát hiện, phải chạy hết tốc lực ra phía sân thi, nơi anh trai đang thi đấu. Đó là khi anh trai Pete nhận ra tiềm năng nơi người em và từ đó anh nỗ lực dìu dắt Louie luyện tập điền kinh.

Pete nhiều hơn cả một người thầy bảo ban Louie luyện tập. Hơn hết, Pete là người anh kiên nhẫn với Louie ngang bướng. Phải với tình yêu lớn lao lắm với đứa em ngỗ ngược ấy, Pete mới biến Louie thành ngôi sao điền kinh học đường, trở thành “cơn lốc Torrance” và sau đó là Vận động viên Olympic đại diện cho Mỹ ở bộ môn điền kinh.

Phải, nếu Louie Zamperini là một biểu tượng, Pete Zamperini là người đầu tiên xây dựng nó, chứ không phải chính Louie Zamperini.

>>> Có thể bạn sẽ thích: Joker và Khan giống nhau ở điểm nào?

47 ngày trên biển

Quay trở lại khu tập trung sau khi thoát chết vì vụ hạ cánh, Louie cùng các đồng đội lại ngay lập tức nhận nhiệm vụ tiếp viện. Lần này thì cả nhóm thậm chí không cứu nổi mình.

Cánh trái ngừng hoạt động gửi cả nhóm xuống biển, nơi mà chỉ còn Louie, Phil, và Mac thoát nạn.

Lênh đênh trên biển suốt 47 ngày trước khi bị hải quân Nhật bắt làm tù binh (thực tế, Mac chết vào ngày thứ 33), đúng như những lời Louie nói với Phil trước khi bị bắt giữ “Tớ có tin tốt, và tớ cũng có tin xấu đây”.

Tin tốt là họ đã thấy hy vọng được sống nhưng tin xấu là họ sẽ phải sống trong cực hình trên danh nghĩa tù nhân của phát xít Nhật.

Những ngày bị bức cung trên đảo Nhật

Louie và Phil bị nhốt giam, tra hỏi trên đảo, chúng đang muốn lôi ra những thông tin mật về quân đội Mỹ nhưng có vẻ những gì chúng nhận được chỉ là sự gan lì và kiên cường của cặp lính.

Đủ cách tra tấn, từ bỏ đói, tắm nước lạnh, đến đánh đập nhưng không sao uy hiếp được tinh thần thép cấy trong con người Louie.

Sau mỗi lần chịu cho chúng một câu trả lời hoặc không rõ ràng, hoặc không đúng Louie lại gặng hỏi về tình hình của đồng đội ở đảo Makin. Có vẻ như lúc này cậu còn chẳng mảy may mạng sống của mình nữa, cậu đủ cái gan để hỏi ngược, để biết về những đồng đội đang trong nguy nan của mình. Thì ra họ đều đã bị chặt đầu. Louie bật khóc.

Cựu vận động viên Olympic có vẻ đã mường tượng ra kết cục của mình. Vậy thì ngoan ngoãn vâng lời bọn Nhật lại càng trở nên vô nghĩa. Lần này, Louie còn dám đánh cả quản ngục, đúng là gan to bằng trời!

Nỗi kinh hoàng mang tên “Con Chim”

Những điều tồi tệ nhất còn chưa đến. Nó chỉ thực sự đến khi anh bị gửi đến trại giam Omori, nơi “Con chim” (The Bird) cai quản.

Khi Louie nhập trại, Con chim vẫn đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho từng mống tù nhân Mỹ. Cái tên “Con Chim” thực ra là biệt danh tù nhân ở đây đặt cho Mutsuhiro Watanabe khét tiếng bởi sự ngược đãi tàn nhẫn đối với những người mà hắn giới thiệu là “kẻ thù của nước Nhật”.

Ngày Louie nhập trại, anh đã sớm giành được sự chú ý của Con chim, cái cớ để hắn đánh người có muôn vàn, nhưng với Louie, nó đơn giản hơn hết thảy:

Nhìn vào mắt tao! Nhìn thằng vào mắt tao!

Và, cậu tù nhân mới dù có làm theo hay không thì đều “thiếu tôn trọng” quản trại. Cứ thế hắn đánh.

Xuyên suốt bộ phim, những lần Con Chim ra tay hành hạ, hắn luôn sử dụng chiếc gậy gỗ dài của mình. Đây có lẽ là biểu tượng cho thấy sự khác thường hoàn toàn so với bất cứ quản trại nào khác. Hắn không dùng tay vì đấm thì không đã, hắn không dùng súng vì súng khiến nạn nhân “đi” quá nhanh. Hắn dùng gậy vì nhiều hơn mối thù đối với kẻ địch, hắn ưa thích bạo lực, hắn muốn thấy nạn nhân phải thấm đòn, phải chịu đựng.

Chiếc gậy này nhiều lần làm Louie gãy mũi. Đó là lần đầu gặp mặt, lần Con Chim buộc Louie chạy thi với lính của mình khi biết anh từng là Vận động viên Olympic, lần hắn bắt Louie với chiếc chân tập tễnh phải nhấc bổng thanh gỗ nặng. Chiếc gậy này cũng là thứ cuối cùng về Con Chim mà Louie nhìn thấy ở cuối phim.

Chạy thi với lính Nhật

Tin đồn về một vận động viên Olympics mới nhập trại khiến Louie trở nên nổi tiếng. Con Chim thì chỉ cần lý do để làm khổ Louie mảnh khảnh.

Louie thì không dễ chịu thua nên anh đang đứng trước vạch xuất phát với đối thủ tốt hơn anh về cả thể trạng lẫn thần thái. Chạy được chưa hết vòng đầu tiên thì đại diện Mỹ ngã gục xuống đất.

Phía tù nhân đang quan sát đều lắc đầu thầm thì “Đừng đứng lên” như thể họ biết cái kết cho chàng trai Mỹ.

Nhưng Louie không chịu buông bỏ bất cứ thứ gì, anh vẫn cố đứng dậy và chạy thêm vài bước cho tới khi không thể đứng lên được nữa. Con Chim tiến đến với cây gậy gỗ, đánh Louie bẹp hẳn xuống đất. Mắt Louie tối sầm lại. Đêm đó, anh dán mình giữa sân trại tối thui, kiệt sức, như thể không còn trên đất nữa. Đây có phải địa phủ?

>>> Bạn có muốn tìm hiểu về Đường dẫn trong nhiếp ảnh – Một trong số những kĩ thuật được sử dụng nhiều nhất trong nghệ thuật? Nếu có thì click đường link trên để tìm hiểu thêm nha!

Nhấc bổng thanh gỗ thách thức Con Chim

Những hàng máy bay ngang trời oanh tạc đất Nhật làm trỗi dậy niềm hân hoan của nhóm tù nhân Mỹ, hòa quyện với nỗi lo “Nếu quân Đồng Minh thắng thì sớm muộn chúng cũng đem ta ra xử tử!”.

Trại Omori một phần bị thiệt hại nên ngay hôm sau, cả đám tù nhân bị chuyển qua trại Naoetsu, ở vùng băng tuyết Joetsu. Thứ công việc của tù nhân Mỹ tại đây là hàng ngày vận chuyển than lên các con tàu.

Một lần cõng than như vậy, Louie bị lính cai ác ý đẩy từ phía sau khiến anh ngã từ trên cao, tiếp đất bất ngờ làm trẹo bên chân trái.

Khi chân của cựu vận động viên còn chưa lành thì Con Chim lại tìm cách thử sức chịu đựng của chàng trai đến từ Torrance. Hắn bắt anh phải nhấc bổng thanh cỗ nặng trước mặt:

Thanh gỗ mà rơi, thì bắn bỏ mẹ nó đi!

Hắn quát cấp dưới.

Ánh nắng cuối chiều ngả màu vàng ảm đạm lên cái bóng quắt queo của Louie. Ánh nắng hiu hắt ấy cũng giống Louie, đang cố trút hết sức mình sau ngày dài vất vả.

Chân anh đang lảo đảo, vì một trong số chúng còn đau rất đau, mắt anh nhắm lại vì sức đâu mà giữ nữa.

Trong giây phút loạng choạng như sắp đánh rơi mạng mình, Louie quyết định vận hết sức bình sinh đưa thanh gỗ từ ngang tai qua hẳn đầu, mắt anh mở to sắc lẹm nhìn thằng vào đôi mắt thẫn thờ của Con Chim. Anh hét to lên một tiếng làm náo động cả khu cảng; các đồng chí đang vỗ tay thán phục. Nếu Mỹ thắng trận này thì họ đã thắng cả hai cuộc chiến vì cuộc chiến của Louie với những ngược đãi cũng vĩ đại chẳng kém thế chiến thứ 2 vậy.

Không chịu nổi nỗi nhục này, Con Chim lại túm lấy cái gậy xông tới đánh cho 2 mắt của Louie phải nhắm lại, cũng là khi hắn quỳ xuống vì bất lực. Hay vì nhục nhã?

Trong giây phút ấy, máy quay hạ thấp lấy góc nhìn của Louie. Đó là mặt trời sau lưng Con Chim. Louie lại nhớ về ngày xưa, những ngày còn chạy bộ chiều nắng, anh nhìn lên bầu trời trong xanh, tin về một tương lai cũng xanh tươi như vậy.

Đêm đó, Louie lại nằm một mình ngoài cảng. Nhìn vào ai cũng tin anh đã chết.

Ngày trở về

Sáng hôm sau, tất cả tù binh được tập trung bên bờ cảng. Họ sắp được thông báo tự do sau khi quân Nhật đầu hàng 2 quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki.

Quân Nhật cho phép tất cả tù nhân Mỹ tắm mình dưới con sông Hokura.

Vật phẩm tiếp tế được máy bay thả xuống, ai cũng hăm hở xem mình có gì để ăn, có tin tức nào từ quê hương để cập nhật.

Louie, thay vì thế, bước lên phòng của Con Chim tìm nói lời từ biệt. Gậy hắn để đây nhưng người thì đã đi đâu mất. Nhìn lên bàn, Louie thấy tấm hình hắn chụp cùng người cha.

Bức hình phần nào cho Louie biết câu trả lời cho việc vì sao Con Chim lại có xu hướng bạo lực điên loạn như vậy. 

Watanabe bé nhỏ đang đứng thu mình bên cạnh người cha oai nghiêm trong quân phục với vẻ mặt nghiêm nghị.

Có lẽ lời đồn về quá khứ của tù nhân trong trại về Con Chim đã đúng: “Rõ ràng hắn lớn lên trong nhung lụa. Hy vọng được làm sỹ quan vì được kỳ vọng như thế. Và hắn không có thực lực, bị từ chối, nhưng không chịu chấp nhận điều đó.”

Mình từng đọc đâu đó một giải thích về tâm lý học rằng một đứa trẻ bị bạo hành trong gia đình sẽ lớn lên trở thành một kẻ vô lý, ngang ngược. Watanabe nhiều khả năng là một đứa trẻ như thế. Có thể từ nhỏ hắn đã bị buộc phải sống trong giấc mơ của ba mẹ mà quên đi giấc mơ của chính mình. Đây là nỗi buồn chung của nhiều đứa trẻ lớn lên với quá nhiều áp lực từ gia đình.

Ngay sau cảnh này, Louie bước xuống máy bay, anh hôn lên mặt đất, nếm hương vị quê hương. Đang đợi anh là bố, người đã luôn kiên nhẫn với Zamperini có tuổi thơ bất hảo, là mẹ, chủ nhân của những món Ý tuyệt vời mà anh đã hứa một ngày sẽ mời Mac nếm thử, là anh trai Pete, người phát hiện và nuôi dưỡng một Louie Zamperini gai góc và tài năng.

Kết luận

Câu chuyện về cuộc đời cựu vận động viên Olympics, cựu lính Mỹ, cựu tù nhân Nhật Bản- Louie Zamperini nhiều hơn câu chuyện về một người con người gan góc, bất khuất, nó còn là về sự khoan dung.

Trong suốt quãng thời gian bị bó buộc bưởi cực hình, chàng lính Mỹ chỉ biết chịu đựng, và hiên ngang đối mặt đòn roi. Nhưng ngay cả thứ địa ngục bày ra bởi “Con Chim” cũng không khiến trái tim Louie trở nên thù hận. Có lẽ hối tiếc nhất của Louie là không thể tự mình nói lời chào với kẻ đã hành hạ mình ấy, để cho hắn thấy khoan dung mới là thứ vũ khí mạnh nhất, để cho mọi người thấy khoan dung có thể hoá giải tất cả mọi điều.

Bản thân mình thấy đã nhiều lần kể với mọi người về Louie Zamperini nhưng không bao giờ là đủ, luôn có những chi tiết nhỏ mà ý nghĩa sau này mình mới nhận ra. Ngay cả khi viết Review phim Unbroken (Bất Khuất) này mình cố gắng chắt lọc nhưng cảm xúc cứ thế đưa ngón tay gõ phím. Thôi thì vẫn xin được dừng tại đây. Hy vọng mọi người sẽ thích nó. Và nếu thích thì hãy like và share hoặc để lại comment cảm nhận ở bên dưới nhé!

>>> Xem nhiều Review phim hơn tại đây.

>>> Các chủ đề khác: Review sách, Kinh nghiệm nhiếp ảnh, & Kinh Nghiệm Trekking.

>>> Các bạn cũng có thể kết nối với mình trên các trang mạng xã hội qua Hashtag #conhinhconchu nhé!

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status