Nhiều người khi đọc Rừng Na Uy sẽ gắn mình vào những suy nghĩ về sự chân thật và những câu chuyện tình của Toru, sự trong sáng tinh khôi của Midori hay thứ tình cảm quá đỗi khó hiểu của Naoko dành cho nhân vật chính. Chẳng mấy ai để ý tới một Reiko trải đời và nhiều bi kịch (theo cái cách chị muốn mọi người hiểu).

Ảnh sách RỪng Na Uy cạnh máy ảnh film

Nếu như mỗi nhân vật đều khắc họa một con người thân quen nào đó quanh ta thì nhân vật Reiko cho tôi thấy nhiều hơn thế. Dù mới chỉ 38 tuổi nhưng có vẻ như Reiko đã sống nhiều hơn một cuộc đời.

Nếu như câu chuyện về Nagasaki giúp ta nhớ đến người bạn lắm tài mà cũng khối tật, Quốc Xã cho ta thấy một thằng bạn suốt ngày chỉ biết sống trong vỏ bọc của tri thức, hay nhiều nhân vật khác nữa, thì riêng câu chuyện của Reiko lại có thể đem đến liên tưởng về nhiều người cùng lúc. Cuộc đời của chị đã đi qua nhiều biến cố, mỗi biến cố ấy đã góp phần tạo nên phiên bản cuối cùng tại khu điều dưỡng, nơi Toru lần đầu gặp gỡ, một người trải đời nhưng cũng vô cùng sợ “đời”.

Tiểu thuyết Rừng Na Uy có 10 chương nhưng chương số 6 kể về lần gặp gỡ của Toru với Reiko và Naoko ở viện điều dưỡng là dài hơn tất thảy. Cùng mình đọc Rừng Na Uy review nhân vật Reiko nhé!

Rừng Na Uy review nhân vật Reiko (Chương 6): Những cuộc đời đã sống

1. Bi kịch của thiên tài: Sự kỳ vọng

Buổi tối đầu tiên ở khu điều dưỡng đó, Toru được Reiko dẫn ra ngoài khi Naoko cần có khoảng không gian riêng của mình. Những câu chuyện vu vơ đã dần đưa đến những chia sẻ nghiêm túc hơn về cuộc đời của Reiko.

Hôm đó, cô kể về cái bi kịch đầu tiên của đời mình. Rằng cô là là một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật. Ước mơ trở thành một nghệ sỹ biểu diễn dương cầm cũng vì thế mà hình thành trong sự mơ mộng.

Quote Rừng Na Uy Cô gái xinh đẹp mơ mộng đeo bờm
Bi kịch của tài năng bị đặt quá nhiều kỳ vọng. Photo credit: Rich soul on Unsplash

Cô như một cục nam châm hút giải thưởng này qua giải thường khác ở mỗi cuộc thi âm nhạc.

Cái tài của cô được mọi người “làm rùm beng lên từ khi tôi còn nhỏ”.

Biến cố đầu đời đến với chị vào năm cuối tại nhạc viên. Tập luyện ngày đêm cho một cuộc thi quan trọng. Chẳng hiểu vì sao mà chính vào lúc đó, ngón tay út bên trái của chị đột nhiên mất cảm giác, không cử động được nữa. Thế là niềm hy vọng về cuộc thi tiêu tan.

Bác sỹ xét nghiệm dây thần kinh và mọi thứ nhưng chẳng thấy có gì bất thường và kết luận đó đơn giản là một vấn đề tâm lý.

Sau hơn 2 tháng nằm viện, ngón cái của Reiko đã có thể cử động lại được nhưng ước mơ thì bị bỏ lại đằng sau mãi mãi.

Sau đại học, chị chỉ còn dám nhận lớp dạy thêm tại nhà: “Nhưng tôi cảm thấy đau vô cùng tận. Giống như cuộc đời mình đã chấm dứt.”

Thật vậy, chị đã sống một cuộc đời mới sau đó, cuộc đời thiếu đi khát vọng cháy bỏng. Đó là vì sao?

Có vẻ như áp lực của kỳ vọng đã đặt một kỳ vọng quá cao lên Reiko khiến cho việc cô trượt khỏi mức kỳ vọng ấy thì không thể gượng dậy nổi. Đây là một bài toán tâm lý rất khó cho bất cứ thiên tài nào. Họ sống vì kỳ vọng của người khác thay vì bản thân. Ngay chính Reiko cũng thừa nhận điều này:

“Như tôi đã nói, tôi chơi đàn từ khi lên bốn, nhưng lúc ấy mới chợt nhận ra là chưa từng bao giờ chơi cho chính mình. Lúc nào tôi cũng chỉ cố thi cho đỗ chỉ để gây ấn tượng với người khác.”

Bản thân tôi cũng có một người bạn như vậy. Là một người học giỏi, hoạt động giỏi trong tất cả các hoạt động của trường lớp từ ngày đầu đi học, bạn ấy luôn hướng đến những vị trí cao nhất có thể vì bạn quen với những điều như thế, quen với những kỳ vọng như thế từ mọi người.

Sau này ra trường cô ấy chịu tác động của gia đình về những công việc họ mong cô sẽ làm cho xứng với một học sinh giỏi quốc gia. Nó tước đi của cô nhiều lựa chọn nghề nghiệp, và tình yêu với những công việc cô bạn thực sự muốn làm.

Còn ở tôi, là một học sinh chăm ngoan những năm tiểu học khiến mọi người gắn mác một đứa thông mình học giỏi. Nó khiến áp lực điểm cao trong lúc học hành sa sút thành cái cớ để gian lận trong các kỳ thi. Nó khiến tôi dù không có khả năng thi vào ngôi trường yêu thích nhưng cứ đăng ký nguyện vọng 1 vì ai cũng nghĩ tôi sẽ qua được kì thi đó dễ dàng.

>>> Có thể bạn sẽ thích: Quick review Để thành nhà văn – tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần

2. Đóng cửa trái tim, sẽ không còn yêu ai nữa

Reiko tiếp tục kể về đứa học trò đáng quên của mình, đứa học trò vừa xinh xắn, tài năng đến độ Reiko phải tự ti về mình.

Nào có ai ngờ một đứa xinh đẹp, thông minh như thế lại sử dụng lợi thế ấy xuyên tạc sự thật, để dụ Reiko vào một mối tình đồng tính mà khéo đến độ Reiko cũng khó mà thoát ra. Trời ơi, có ai ngờ một đứa trẻ 13 tuổi lại có thể cào xé thân xác mình, đầu bù tóc rối để giả như Reiko đã hãm hiếp nó.

Bằng chứng nó tạo dựng quá thuyết phục. Reiko đã rơi vào bẫy. Cái bẫy của sự thông minh cô từng ngưỡng mộ. Cuộc sống cô rẽ sang trang mới. Cô không còn có thể chống chọi được với cái xã hội thực tại này nữa, cô không còn tin vào nó nữa cũng như những bà hàng xóm không tin vào cô. Lần này cô đi, cô sẽ tìm một nơi không còn phải đương đầu với cái xã hội đáng sợ ấy nữa. Cô chọn nhà điều dưỡng.

Quote Rừng Na Uy cặp đôi cầm tay nhau
Người chồng quá đỗi hoàn hảo dường như khiến Reiko khép cửa trái tim với bất kỳ ai | Photo credit: Dương Hữu on Unsplash

Cô đi, bỏ lại con gái cùng người chồng hiểu và yêu thường mình hết mực. Cô luôn tự hào về người chồng ấy. Anh là học trò cũ của cô.

Dù không cho thấy dấu hiệu theo đuổi nào nhưng 6 tháng sau buổi học đầu tiên, anh đã bất ngờ hỏi cưới cô. Reiko tìm đủ lý do để anh ta từ bỏ nhưng rồi 3 tháng sau nữa chị đã phải chấp nhận tình yêu chân thành ấy.

Một người thấu hiểu và quan tâm Reiko hết mực: “Nếu tình trạng tôi chớm tồi tệ dù chỉ một chút xíu – nếu một cái ốc bị lỏng ra một tí – anh ấy sẽ biết ngay và siết nó lại bằng sự kiên nhẫn và âu yếm vô bờ, sẽ xếp tất cả những sợi dây bị rối lại về chỗ của chúng.”

Nhưng cô vẫn phải đi, vì đơn giản, xã hội cô đang sống không phải dành cho cô còn anh thì quá lưỡng lự: “Chỉ một tháng thôi”. Thế là cô để anh ở lại.

Vậy là đã 7 năm từ ngày Reiko đến khi điều dưỡng. Chị nay đã khỏe mạnh nhưng nơi này cứ níu chân chị mãi. Chị không quay về cuộc sống cũ. Vì sao thế? Chị không tìm về người chồng yêu thương mình. Vì sao thế? Chị không yêu thêm ai. Vì sao thế?

Dường như cái quay lưng với người chồng ấy, người tốt nhất Reiko có thể tìm trên thế gian đã chấm dứt mọi quyết định nào khác ngoài việc ở lại nơi đây.

Vì anh ấy thật tốt nên Reiko sẽ không thể quay lại nữa bởi chị đã phụ lòng anh mất rồi còn mặt mũi nào mà quay lại. Vì anh ấy thật tốt nên Reiko không tin mình có thể chấp nhận thêm mối tình nào khác ngoài anh. Anh hoàn hảo, còn chị tự ti về tình yêu.

Điều này xảy đến với nhiều người. Họ chia tay không vì hết yêu, mà đơn giản vì người trước quá tốt với họ, khiến họ không còn tin vào một tình yêu nào khác, họ thà cô đơn còn hơn!

Họ chia tay vì bản thân không tốt, không xứng với người trước, điều đó khiến họ luôn cảm thấy tội lỗi áy náy, tự ti liệu mình có tiếp tục là nỗi đau của ai đó mới, họ thà cô đơn còn hơn!

>>> Bài viết gợi ý: Review phim Unbroken (Bất Khuất): Từ tuổi thơ ngỗ nghịch đến người hùng nước Mỹ

3. Trải đời nhưng cũng sợ đời

Reiko trong nhà điều dưỡng là phiên bản trải đời nhất sau 2 lần cuộc đời đánh cô đến tơi tả. Reiko giờ đây không còn tơ vương gì với thế giới bên ngoài nữa vì cô đã hiểu quá rõ cái thế giới ngoài kia, thế giới đã phụ mình.

Quan điểm bình thường – bất bình thường của Reiko và xã hội

Đó là khi cô quyết định không ai ngoài kia có thể làm tổn thương cô hơn nữa. Không lời đồn ác ý nào có thể giết chết thần kinh có phần yếu đuối của cô nữa. Giờ đây cô chọn sống với yên bình nơi những người không bình thường hiểu rằng họ không bình thường: “Cái làm chúng tôi bình thường nhất là biết rằng mình không bình thường”.

Quote Rừng Na Uy: Nhà gỗ trong rừng
Những đau đớn của tuổi trẻ khiến Reiko dần sợ cái thế giới ngoài kia| Photo credit: Kayle Kaupanger on Unsplash

Ngẫm lại, ngoài cái xã hội bình thường kia lại khối người nghĩ mình bình thường mà hóa lại không.

Tôi nhớ đến một trường hợp rất bất bình thường mình gặp được trong cuốn sách về não bộ có tên “The story of the brain” bởi tác giả David Eagleman. Nó kể về Charles Whitman, người là một nhân viên ngân hàng hoàn toàn bình thường cho tới cái ngày anh ta leo lên đỉnh một tòa nhà và sả sống vào con phố gần đó, cướp đi mạng sống của 13 người vô tội.

Cảnh sát sau đó lục soát nhà anh thì phát hiện ngày trước đó anh đã giết cả vợ và mẹ mình. Lục soát thêm nữa, họ tìm thấy một ghi chú tuyệt mệnh viết rằng anh không hiểu sao dạo gần đây có những hành vi bất thường mà chính anh cũng không giải thích được. Anh hy vọng sau khi chết, não của mình sẽ được hiến cho việc nghiên cứu để tìm ra những sự khó hiểu này.

Nguyện vọng của anh được chấp nhận và các nhà khoa học sau đó kết luận rằng anh có một khối u đè nén lên dây thần kinh xung quanh đó, khiến anh thay đổi hành vi. Trời ơi, con người chúng ta là một chuỗi những điều không bình thường mà chính ta còn chưa tìm ra và hiểu được. Vậy thế nào mới là bình thường, thế nào mới là bất bình thường?

Có lẽ câu nói của một người cho rằng mình không bình thường như Reiko là câu trả lời đúng đắn nhất: “Cái làm chúng tôi bình thường nhất là biết rằng mình không bình thường.” Và cũng bởi vì thế mà mọi người ở đây sống lành mạnh, hiểu, hỗ trợ và yêu thương những khuyết điểm của nhau hơn.

Chẳng phải xã hội ngoài kia đang rất thiếu những điều đó hay sao? Có lẽ nhận thấy vậy nên Reiko thêm yêu khu điều dưỡng và quên dần suy nghĩ trở về với xã hội cũ. Cô sợ xã hội ấy vì họ không chịu hiểu cho một con người có sức khỏe thần kinh yếu như cô, vì họ đã làm thui chột một tài năng âm nhạc, vì họ đã đồn đoán cay nghiệt, giết đi tự do của cô. Cô sợ cái xã hội ấy.

Quan tâm hơn đến mọi người xung quanh

Nhờ có sự trải đời mà Reiko hiểu mình cần được thấu hiểu và quan tâm. Để được thấu hiểu và quan tâm, cô phải học cách làm như vậy với mọi người trước đã.

Xuyên suốt câu chuyện, Reiko hiện lên như một người mẹ nhiều hơn là một người chị với Naoko. Chị hiểu mọi nhu cầu, mọi cử chỉ giấu kín của Naoko.

Khi Naoko khóc sau khi nhắc đến Kizuki và lần đầu làm chuyện ấy với Toru, chị biết tất cả những gì cần thiết với Naoko bây giờ là để 2 chị em một mình rồi mọi chuyện sẽ qua đi. 30 phút sau, Toru quay lại thì đúng là như vậy.

Hay mỗi lần Naoko có chuyện buồn thì chị hiểu cô bé đang mong mỏi được nghe chị đánh bài “Rừng Na Uy”.

Lần đầu gặp Toru, Reiko tiến đến lại gần, nắm lấy tay của Toru như một cách tiếp cận làm choáng ngợp cậu. Từ đó chị nhìn ra được nhiều điều từ Toru: “Cậu chưa chơi một nhạc cụ nào ít nhất mấy năm nay rồi phải không?”

Cả cách tiếp cận và phỏng đoán của chị đều là của một người đã từng trải. Chị biết sao để bắt đầu một câu chuyện thật lạ lùng mà không phản cảm. Chị cảm nhận được quá khứ của một người chỉ qua những dữ kiện hạn chế bên ngoài.

>>> Đọc thêm: Joker và Khan giống nhau ở điểm nào?

Kết luận

Rừng Na Uy, tiểu thuyết của tác giả Nhật Haruki Murakami, đem lại cho ta nhiều góc nhìn về tình yêu cũng như tình dục. Mỗi nhân vật lại là hiện thân của mỗi cá tính khác nhau ta có thể dễ dàng hình dung trong đời thực nhưng đặc biệt với nhân vật Reiko Ishida tôi thấy chị là hiện thân của nhiều hơn một mảnh đời.

Những biến cố tai hại đã nhiều lần thay đổi ước mơ và cách nhìn nhận của Reiko về bản thân và xã hội.

Quote hay- Cô gái che khăn khóc
Nhiều hơn một lần cuộc đời của Reiko rẽ hướng | Photo credit: Luis Galvez on Unsplash

Dù thực tế là Reiko là nhân vật nhiều tuổi nhất trong tiểu thuyết và mỗi nhân vật đều có những bất toàn và sai lầm của mình, nhưng không ai có quá khứ khó khăn như Reiko. Chị đánh rơi ước mơ sau khi bác sĩ lo sợ tâm lý chị quá yếu cho việc trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp; chị bị một đứa trẻ 13 đưa vào bẫy tình dục và bị xã hội quay lưng; chị phải rời xa người chồng hoàn hảo mà chị tin chỉ có anh mới đem lại hạnh phúc cho mình.

Nhưng cũng qua những sóng gió, chị học được thêm nhiều điều hơn. Chị hiểu khu điều dưỡng mới là ngôi nhà của mình bởi mọi người sống với nhau bằng sự hiểu biết về nỗi bất toàn của nhau, và của bản thân. Bởi hiểu những thiếu sót ấy, họ cùng nhau cảm thông, chia sẻ và sống lành mạnh, hạnh phúc dưới chung một mái nhà ẩn sau trong một khu rừng. Nơi đây không giống cái thế giới chị đã dứt áo ra đi, chị ra đi vì xã hội ấy đã phụ chị, hiểu sai chị, và không bỏ qua “sai lầm” của chị.

Cảm ơn các bạn đã cùng mình đọc Rừng Na Uy review nhân vật Reiko. Nếu thích hãy để lại cảm nhận của mình bên dưới nhé!

>>> Xem nhiều bài Review sách hơn nhé!

>> Các chủ đề khác: Review phim.Kinh nghiệm nhiếp ảnh, & Kinh Nghiệm Trekking.

Kết nối với mình trên các mạng xã hội qua hashtag #chinhhunky nha!

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status