Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định về vinh hoa, phú quý đời này. Tuy nhiên, sống trong một cộng đồng đã và đang phát triển, vươn lên từ nông thôn tới thành thị, ít nhiều mình được quan sát lối sống từ người nghèo khó, những gia đình sống để chạy theo từng khoản nợ, những gia đình đủ ăn, tới những gia đình làm ăn khấm khá, tậu được đất, xây được nhà.

Có lẽ, chính bạn khi quan sát quê nhà, cũng sẽ có cảm nhận giống như mình. Đó là, mỗi nhóm cộng đồng ấy đều có nhiều nỗi lo. Người nghèo thì lo kiếm tiền, người giàu thì ngoài lo duy trì nguồn tiền, còn lo sao phát triển nguồn tiền thêm nhiều nữa. Nhưng dẫu có là ai trong số họ, khi bệnh tật đến, chỉ còn lại sự quan tâm tới sức khoẻ của mình.

Chính vì thế mà trong các câu chuyện phiếm lề đường, ngõ chợ, dân làng hay bàn về nhà anh này buôn rau, mới xây được nhà 3 tầng bên bờ Đầm; hay, nhà cô kia có 2 đứa con làm ở Samsung lương 20 triệu. Nhưng, khi chủ đề của câu chuyện được lái sang tâm trạng buồn hơn, lại thấy xuất hiện những câu chuyện kiểu như, nhà anh T ở xóm Diều Hâu giàu nhưng chưa kịp hưởng đã chết sớm vì ung thư, đời thật bất công!

Những câu chuyện đơn giản hơn có thể tìm thấy tại bệnh viện, nơi cái đầu tiên người ta hỏi về là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ở đó ta quan sát được nhiều biểu hiện của sự quan tâm khác nhau. (Nói về điều này, mình sợ bản thân còn nông cạn quá, nên nêú mình có cách nhìn nhận chưa đúng, mong bạn đọc và chính mình của tương lai sẽ bỏ quá.)

Trải nghiệm trong bệnh viện

Đã nhiều lần mình ra viện thăm và trông người ốm. Mặc dù, chung phòng bệnh là những người xa lạ nhưng sẽ không cần mất quá nửa ngày để hiểu kha khá về họ, vì những người bệnh thì thường ham chuyện. Hoặc nếu không thì, ta chỉ cần nhìn vào người nhà của họ là nhìn ra được câu chuyện.

Google Pixel 2 | 8/2020
Google Pixel 2 | 8/2020

Có một trải nghiệm lặp lại ở những lần mình ra viện đó là: Những gia đình nông thôn (hoặc không khá giả) thì thường có những người thân trực trông người bệnh. Ngược lại, những gia đình có điều kiện thường chọn dịch vụ tốt nhất cho người bệnh và dành thời gian cuối tuần tới thăm.

Không dám bàn đến bên nào tình nghĩa hơn bên nào, bởi có thăm hỏi là cũng quý giá lắm rồi; hơn nữa, việc duy trì công việc để có thể chăm lo viện phí cho người thân cũng là một biểu hiện quan tâm, thứ quan tâm mang nhiều lý trí hơn.

Ở phía bên kia, các anh em, con cháu, họ hàng thay phiên nhau chăm sóc người bệnh 24/24 thì thấm đậm dấu ấn tình cảm.

Là một kẻ bảo thủ và truyền thống, mình hay dành những khoảng thời gian như vậy cho người nhà đau ốm. Ngẫm lại, không chỉ là cái quý về mặt tình cảm, mà tinh thần người bệnh cũng đi lên nhờ sự an ủi là sự hiện diện của người thân. Cũng lại những lúc như thế, nhiều câu chuyện thầm kín được chia sẻ.

Cuộc đời này, mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội được quanh quẩn chuyện trò, giúp đỡ người thân. Ngoại trừ khoảng thời gian tuổi thơ hay xuống vườn ông nội chơi, mãi đến khoảng thời gian học đại học mình mới hay ham chuyện với các ông, các bà, và các mối quan hệ thân cận khác. Tới giờ, khi nhìn lại, mình muốn nhắc nhở bản thân đừng đợi ai đó trở bệnh mới đến thăm hỏi. Chúng ta có thể dành chút ít thời gian để làm việc đó bất cứ khi nào.

Và, mình thấy, khái niệm cuối tuần đôi khi khiến chúng ta trở nên lười biếng và nuông chiều bản thân. Rằng, nó khiến ta nghĩ sự nỗ lực trong cả tuần dài nên được đền đáp xứng đáng bằng một chầu ngủ nướng, hoặc đi đâu đó xa mà tận hưởng. Thế là mỗi dịp cuối tuần, chúng ta cứ chỉ nghĩ cho bản thân mình, mà quên mất có thể thăm hỏi, dành thời gian cho những mối quan hệ trong gia đình. Ôi dào ôi, trước cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, người ta vẫn hạnh phúc lao động mỗi ngày đấy thôi!

Thứ 7, 2022/03/12 – Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần

>>> Kết nối với mình qua hashtag #Conhinhconchu trên các mạng xã hội nhé!

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status