Tiền là con dao sắc nhất trên đời. Nó có khả năng cắt đứt các mối quan hệ bạn bè, gia đình, tình yêu và đạo đức của một người.

Bạn có cảm giác như thế nào khi nhận ra mình là một học sinh nghèo? Trường học là nơi mà sự chênh lệch giàu nghèo thực sự bắt đầu thể hiện. Trong năm đầu đại học, tôi đã cùng một nhóm bạn học đến thành phố New York để giao lưu với các cựu sinh viên đang làm việc cho những công ty lớn ở đây. Vào cuối ngày, một số sinh viên rủ nhau đi chơi NY về đêm, và muốn tôi đi cùng.

Tôi đã rất vui tham gia, nhưng rồi nhanh chóng hối hận với quyết định này. Một cách nhàn nhã, họ dạo xung quanh những khu mua sắm sang trọng. Chi ra hàng nghìn đô cho một chiếc áo khoác đẹp, hoặc những thứ đắt tiền khác. Tôi đã tìm cách đi về khách sạn một mình, vì kế tiếp họ sẽ vào một trong các nhà hàng sang trọng nhất của NY.

Tôi không hề ghen tị hay đố kị với những sinh viên này, vì sự thành công của gia đình mà họ được hưởng những cơ hội như vậy. Nhiều người trong số họ có cha mẹ không chỉ thông minh mà còn thực sự tốt bụng, chăm chỉ và xứng đáng với thành quả đạt được. Ở Hoa Kỳ, những sinh viên giàu có thường được bố mẹ mua cho họ một chiếc ô tô. Họ được che chở và chăm sóc nhiều hơn đáng kể. Thông thường, họ không phải vừa đi học vừa đi làm. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ làm những công việc tốt trả lương cao thông qua các mối quan hệ gia đình.

Còn những sinh viên nghèo, ít có khả năng học xong đại học. Bởi cha mẹ nghèo thường cho rằng trí thông minh là bẩm sinh, không phải là thứ có thể học được. Tùy thuộc vào nơi sinh sống, họ có thể được dạy không ra ngoài vào ban đêm vì lo ngại về an toàn, tránh một số khu vực nhất định. Nhiều khả năng sống trong một ngôi nhà mà cha mẹ đã ly dị. Khi chủ nghĩa vật chất vượt khỏi hạn chế, những người nghèo này bị bỏ lại phía sau, và bị coi là một thứ thảm bại.

Có tiền nghĩa là có lựa chọn. Đừng thay đổi bản chất của mình chỉ vì ai đó đã dùng tiền làm tổn thương bạn. Khi có tiền, bạn có thể tránh được nợ nần. Chọn trường đại học dựa trên sở thích, và khả năng của mình chứ không chỉ dựa trên chi phí. Nó có nghĩa là không cần lo lắng làm thế nào để giữ một mái nhà trên đầu, và thức ăn trên bàn. Hơn thế nữa, bạn có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Tại sao lại nghĩ tiền là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Bạn đã nói chuyện với ai vậy? Tôi luôn được nghe rằng hạnh phúc là điều quan trọng nhất. TIỀN là một cái gương ảnh thuật. Khi nhìn vào, bạn có thể thấy chính mình là người như thế nào. YOLO (You Only Live Once), tại sao mọi người không thể thả lỏng và vui vẻ?

Sự đời trớ trêu, tiền luôn dạy một bài học rằng nếu không có nó, bạn sẽ chẳng là gì. Nhưng sự thật đúng ra là không có bạn, tiền chẳng là gì cả. Một số người nói rằng, tình yêu sẽ bay mất nếu bạn không có tiền. Nhưng theo tôi tư duy của một người là quan trọng trong một mối quan hệ. Bởi vì, nếu tình yêu là có thật, tiền chỉ mua được tình dục chớ không phải tình yêu. Cuộc sống cần tình yêu, kiến thức, và sự bình an hạnh phúc. Những thứ này, tiền không thể mua được.

Chúng ta thường nghe rằng “Tiền không mua được hạnh phúc” và điều đó đúng, nhưng không có nghĩa là tiền không quan trọng. Xã hội mặc kệ bạn có tiền hay không. Nhưng ở một ngã rẽ nào đó của cuộc đời, bạn sẽ bị đánh giá chỉ bằng số tiền trong tài khoản của mình. Bạn phải hiểu sự khác biệt giữa hạnh phúc và thoải mái. Hạnh phúc là thứ bên trong chúng ta, tiền chỉ có thể mua cho bạn sự thoải mái chứ không phải hạnh phúc.

Trong thế giới bịa đặt ngày nay (Không có tiền = Không có quyền). Tất cả mọi người đều chạy theo tiền bạc, và sự khao khát ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn, để mua một chiếc xe hơi, một ngôi nhà v.v.

Khi còn là những đứa trẻ con, chúng ta không hề có tiền, mọi thứ phải dựa vào người lớn để có quần áo mặc, cơm ăn. Chúng ta phụ thuộc vào họ về mọi thứ. Tuy nhiên, giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi đã rất vui vẻ. Trời mưa thì chạy ra ngoài tắm mưa, không mưa thì đi tắm ao, hồ. Xuân, hạ, thu, đông đều có niềm vui riêng của nó. Vì vậy, hạnh phúc của trẻ con hoàn toàn không dựa trên tiền bạc, mà là được làm những điều chúng yêu thích. Tôi cảm thấy bài học hay nhất là tiền bạc không đảm bảo hạnh phúc.

Bây giờ lớn lên, tốt nghiệp đại học, làm được nhiều tiền. Tôi không cảm thấy hạnh phúc hơn so với thời còn là một cậu bé. Manhattan (New York) là nơi tập trung nhiều người rất giàu. Nhưng đồng thời cũng có nhiều bác sĩ tâm thần và tâm lý hơn. Những vị bác sĩ này được trả rất nhiều tiền chỉ để nhắc lại cho bệnh nhân giàu có của họ là “Tiền không mua được hạnh phúc thật sự”.

Tôi có người bạn rất trầm lặng, kín đáo và có tư duy sâu sắc.

Một lần tôi hỏi, “Người ta nói tiền không mua được hạnh phúc, có phải không?”

Người bạn mỉm cười, nói “Rõ ràng là họ không biết mua sắm ở đâu.”

Mỗi người đều có một chiếc mặt nạ, và họ mang những cái khác nhau tuỳ theo tình huống hoặc đối tác là ai. Nhớ hồi còn học lớp 5, tôi có đứa bạn tuy nhà giàu nhưng chơi thân với nhau. Một hôm, chúng tôi có cuộc tranh luận khá vui và ngộ nghĩnh.

Tôi: “Tao yêu cô giáo dạy Toán. Khi lớn lên, tao sẽ cưới cô ấy.”

Người bạn: “Mày không thể, vì tao cũng yêu cô ấy. Nhà tao có nhiều tiền hơn nhà mày.”

Tôi: “Nhưng tao học giỏi toán hơn mày.”

Cả hai chúng tôi đều yêu cùng một giáo viên, và không ai muốn nhường cho đối phương. Chỉ có một giải pháp, hãy để cô giáo dạy Toán quyết định xem giữa hai chúng tôi cô sẽ lấy ai.

Chúng tôi cùng đến gặp, và hỏi: “Thưa cô, cả hai chúng em đều yêu cô, và chúng em đều muốn kết hôn với cô, vậy cô sẽ chấp nhận lời cầu hôn của ai?”.

Không nhịn được cười, cô giáo đỏ mặt và nói: “Nhưng cô đã có gia đình rồi.”

Đó là lần tan vỡ trái tim đầu tiên của tôi…

Bài viết nổi bậtXem thêm

2 thoughts on “Tiền (Money)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status