Nhân buổi trưa nóng nực, chán cơm thèm đọc, mình lướt tạm VnExpress xem có tin tức nào đáng cập nhật không thì dừng lại bởi bài viết “Ba đứa trẻ trả lại 42 triệu đồng nhặt được“.
“Thị Bé Hằng học lớp 4 và hai em lớp 1 ở huyện Giồng Riềng trên đường đi học về nhặt được bọc tiền có 42 triệu đồng, nhờ công an trả lại người mất.”
Mình nhớ lại hồi lớp 4 cũng có lần trong lúc đợi cổng trường mở cửa, nhặt được và trả lại 2,000 đồng cho thằng bạn cùng khối. Mình không nhớ động lực trả tiền cho hắn là gì, chỉ nhớ nó là một hành động bộc phát và bản năng, và rồi kết quả là một cảm giác tự hào.
Nhớ về câu chuyện này thì mới lại nghĩ về cách “trả lại tiền rơi” của trẻ con và người lớn (theo góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân). Và nghĩ về cách trả tiền thì mình nghĩ ngay đến 2 từ “bản chất”. Lật ngược lại, nói về bản chất trước đi.
Bản chất con người
Theo quan điểm của Kinh Thánh, giống nòi loài người có từ A-dam và Ê-va là 2 người đã phản bội Chúa, và mang tội. Do đó, dòng giống của 2 người này về sau mãi là một dòng giống tội lỗi. Tức là, mỗi người sinh ra đã có sẵn những cái xấu trong người. Hay, có một cụm từ khác mọi người vẫn hay dùng để nói về sự bất toàn của con người là “thiên thần sa ngã” – đến thiên thần (sa-tăng) còn mắc tội nữa là.
Theo mình, quan điểm trên có phần tiêu cực. Mình yêu quan điểm của Nho giáo, mà nhiều người Việt thân thuộc hơn: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – Con người khi mới sinh ra đều có bản chất hướng thiện”.
Nhưng, mình vẫn cảm thấy “ngứa ngáy” với quan điểm này. Bởi nếu nói vậy, chẳng có lẽ chúng ta sinh ra đã mang trong mình vốn hiểu biết về lễ nghi và chỉ bị suy đồi nhân cách khi lớn lên và hòa nhập vào những môi trường mới? Thế nên, mình có quan điểm riêng và mình tin rằng, về nhân cách, mỗi trẻ em khi sinh ra là một tờ giấy trắng, cách giáo dục và sự kiện trong đời mới giúp uốn nắn nên con người của chúng sau này. Thế nên, mình sẽ neo theo quan điểm này trong suốt bài viết.

Trẻ em và người lớn trả lại tiền rơi khác nhau như nào?
Từ bản chất, giờ mình muốn nói đến cách “trả lại tiền rời” của trẻ em và người lớn. Thực chất, nó chỉ khác ở chỗ toan tính thôi.
Nhớ lại hồi lớp 4 ấy, mình trả lại tiền là vì trước đó chưa bao giờ mình được đặt vào trong tình huống như vậy và cũng chưa được dạy dỗ nhiều về giá trị của đồng tiền. Nên quyết định trả lại tiền chẳng qua nằm trong xác suất hên xui: 1 là kệ cha nó, rơi thì tự chịu; 2 là “em xin”; và 3 là phương án còn lại mình lựa chọn – trả lại cho người đã mất. Và đó đích thực là cái cách một đứa trẻ chưa biết gì về giá trị của đồng tiền, chiếc điện thoại, vòng vàng,… sẽ làm.
Lớn lên rồi, học được những bài học về giá trị tiền bạc rồi thì sự lựa chọn trả-hay-không không còn là vấn đề hên xui nữa vì nó gắn với mong muốn (lòng tham) và toan tính của một người rồi. “Nhặt được 10 triệu đồng, nay tôi có thể mua được chiếc điện thoại iPhone đời cao hơn mà tôi hằng mong ước, trong khi tiền này rơi trên phố là lỗi của họ và tôi không lấy thì đứa khác cũng lấy thôi!”- Ai đó thầm nghĩ. Một vài người khác thì lại nghĩ: “Thật tội cho người đã lỡ đánh rơi số tiền này, mình phải trả lại cho họ. Giúp được họ cũng như tích thiện cho mình sau này”. Người lớn khi biết về giá trị đồng tiền rồi sẽ có 2 khuynh hướng như vậy.
Vậy thì làm sao để không bị giằng co giữa 2 luồng suy nghĩ như vậy?
1. Đối với trẻ em

Đối với trẻ em, chúng cần được chỉ bảo sớm và đúng đắn về tiền. Theo mình, đúng đắn là ở chỗ chúng được dạy về ý nghĩa của đồng tiền chứ không chỉ thuần về giá trị. “10 nghìn này con có thể mua một hộp sữa bổ sung canxi để giúp con cao và khỏe mạnh hơn”. “10 nghìn này con có thể mua một phong kẹo để ủng hộ người nghèo”,… thế là không chỉ cung cấp giá trị kiến thức mà còn mang ý nghĩa nhân văn cho bọn trẻ. Nuôi dưỡng tâm tưởng bọn trẻ như vậy, sớm muộn lớn lên chúng sẽ thấm nhuần triết lý sống đó.
Đấy là điều thứ nhất. Điều thứ 2 là “nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất”. Cái này cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ bằng cách nâng cao tính sở hữu, và quyền riêng tư cá nhân. “Đây là đồ chơi của con, con tự dọn dẹp đi”. “Tài liệu của bố, không nghịch con nhé!”,… Tức là làm sao để chúng hiểu cái gì của mình thì cần bảo vệ, của người khác thì cần trả lại.
2. Đối với người lớn
Cách đây 2 năm, mình có kết thân với một anh đồng nghiệp mới vào công ty. Cơ duyên đó đến từ một lần anh ấy để quên ví trong phòng vệ sinh sau khi đi ăn trưa về. Mình là người dùng phòng vệ sinh ngay sau đó và nhìn thấy chiếc ví thì lưỡng lự không biết nên để nguyên đó hay lấy và báo cáo tòa nhà (vì cùng tầng, có nhiều công ty). Lưỡng lự vì sợ giữa đường cầm tới báo lễ tân lại bị bắt “ăn trộm”. Nhưng rồi mình vẫn quyết định cầm ví trên tay tìm người giúp và sau này được anh tìm gặp cảm ơn và giữ liên lạc.
Sau câu chuyện đó mình đúc kết được một chút kinh nghiệm như này. Một là, có ý tốt giúp người thì chẳng có gì phải sợ cả – “cây ngay không sợ chết đứng”. Hai là, tránh suy nghĩ quá nhiều về giá trị, như vậy sẽ bớt được áp lực lòng tham. Hồi đó, mình không mở ví ra, vì biết đâu thấy nhiều tiền quá sẽ khiến mình thay đổi lòng tốt, nhỉ :))
Kết luận
Đấy, thế là trong giây phút bí bách, đọc được bài báo hay, mình cũng nôn ra được mấy lời triết lý dạy đời ra phết! Trong khi ngoài đời thật thì vẫn lông bông, chưa vợ con (thế mà bày đặt phương pháp dạy con như thật!). Vậy thì mong các ông đi qua, bà đi lại thông cảm cho cái thằng chém gió lắm lời này. Mà nếu nghe mình chém xuôi tai thì xin một vài lời động viên để lại được nghe mình lảm nhảm ạ! Xin kết bài “Trả lại tiền rơi” tại đây!
>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!
Bài viết nổi bậtXem thêm
Nhiếp ảnh
Tác dụng của việc chọn khung hình khi chụp ảnh là gì? Người mới nên chọn chụp ngang, dọc, hay vuông?
Tiện tối nay có một bạn đăng ảnh trong nhóm ảnh của mình và mong muốn góp ý, mình viết lại bài này để chia sẻ với mọi người về [...]
Th2
Du lịch Ngẫm Nhật ký
Về những cây cầu nuôi ký ức tuổi thơ
Một ngày đông lạnh như cắt, mình lái xe ra khu đồng vốn chẳng còn mấy điều đáng để thăm thú bởi vụ mùa đã qua, nay chỉ còn những [...]
Th12
Nhiếp ảnh
Quy tắc/Bố cục một phần ba: Lý do vì sao bạn cần thay đổi thói quen chụp ảnh
Mình tin rằng nếu bây giờ mình đưa bạn chiếc điện thoại và nhờ chụp hộ một tấm hình, dòng điện đầu tiên xoẹt qua đầu bạn sẽ là làm [...]
2 Comments
Th1
Nhiếp ảnh
3 lý do chụp ảnh đen trắng và lưu ý khi chụp đen trắng
Có nhiều lý do chụp ảnh đen trắng, hoặc chuyển về hệ đen trắng khi hậu kỳ màu. 3 lý do chụp ảnh đen trắng của mình Một là, ảnh [...]
Th3
Ngẫm Nhiếp ảnh
Vì sao ảnh xấu? Làm sao để ảnh đẹp?
Để trả lời câu hỏi vì sao ảnh xấu trong bài này, mình sẽ tiếp cận nó theo hướng tâm lý người xem nhiều hơn là kỹ thuật. Tuần trước, [...]
Th7
Ngẫm
Suy nghĩ vẩn vơ vào ngày cuối tuần về ngày cuối tuần
Mình chưa trải hết sự đời, chưa có dịp gặp để hiểu một chút gì đó về giới siêu giàu nên cũng thật khó để đưa ra một nhận định [...]
Th3