Hôm qua mình có chia sẻ một ảnh có Jeff Bezos, người giàu thứ 2 thế giới, với thông điệp phê phán những người cho rằng những tỷ phú như Jeff cần phải đóng thuế nhiều hơn nữa thì mới công bằng. Người đăng lập luận rằng những tỷ phú đã không chỉ hi sinh những năm 20, 30 tuổi tự xây dựng công ty mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn, hàng triệu người khác.

@marketingmentor.in | Instagram

Vì share cái ảnh đó mà mình đã có một tranh luận thú vị với một anh bạn nước ngoài. Bình thường thì 2 bên chỉ qua lại tường Instagram bình phẩm, khích lệ về ảnh của nhau thôi, chẳng ngờ có ngày ông bạn này inbox với một (vài) tâm thư.

Khởi đầu tin nhắn đã là một nhận định vô cùng gắt:

Thằng đó trả lương bèo bọt, chẳng đủ mà sống. Hơn nữa, nó đối xử với nhân viên như rác rưởi ấy!

“Thế này không ổn rồi”, mình ngẫm trong đầu. Không phải mình sợ phản hồi trái chiều ấy. Mà do, mình nhận thấy anh bạn này đang để quan điểm tiêu cực của anh ý lấn át nhận định về một vấn đề.

Việc anh này thay vì phản đối quan điểm của bài viết, lại đưa ra một quan điểm chẳng liên quan gì, lại chẳng có lý lẽ, dẫn chứng gì cho thấy anh ấy đang không tranh luận mà công kích. Đó là bởi anh ấy đã có sẵn định kiến về người giàu và đang rất căng thẳng khi mình “tung hô” mấy ông như Jeff Bezos!

Nhìn nhận được cơn nóng giận từ anh bạn kia, nhiệm vụ của mình là phải làm sao ghìm lửa của đối phương xuống. Đầu tiên, mình “like” tin nhắn của cậu ấy và cảm ơn vì chia sẻ quan điểm. Nhưng mình thì muốn nó là một cuộc tranh luận “lành mạnh”, nên không thể dừng ở đây được. Làm vậy chẳng khác nào, cụp đuôi chịu trận như một thằng “nhu nhược”:

Aww cảm ơn quan điểm của bạn. Có lẽ tớ cần tìm hiểu nhiều hơn về cái cách Jeff Bezos đối xử với nhân viên. Nhưng dù có vậy, thì cũng không thể phủ nhận được việc ông ý cũng như nhiều tỷ phú khác giúp đời sống chúng ta dễ hơn phải không nào?

Lúc này anh bạn mới đưa lập luận sát hơn nè:

Nhiều ông giàu bự đúng là đã tạo ra rất nhiều điều có ích cho xã hội nhưng cũng chính những ông đó khi kiếm đủ tiền tài từ phát minh của mình thì cứ khư khư đống tiền, không chịu trả ơn cho cái xã hội đã giúp ông ta trở nên giàu có. Họ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc kiếm thật nhiều thật nhiều hơn bằng cách bóc lột nhân viên và làm tổn hại môi trường.

Lấy ví dụ là biến đổi khí hậu, các ông đã có thể tạm ngưng sản xuất trong vòng 1 năm thì thế giới đã tốt đẹp hơn biết bao nhiêu nhưng ai cũng sợ lỗ và không chịu làm.

Một lần nữa mình cần hành động làm nguội đi cơn nóng của người bạn:

Cảm ơn đã phân tích nhé! Tớ cũng nghĩ vậy đó. Nhưng hãy tưởng tượng những áp lực và thất bại đang trực chờ họ phải đối mặt nếu họ làm vậy. Những tay chơi mới (new players) sẽ lại nắm lấy cơ hội này mà lật đổ những đế chế cũ. Đây là một vòng lặp mà vòng lặp này được tạo ra bởi lòng tham của con người.

Mọi thứ có 2 mặt và dù ta nhìn nó theo hướng tích cực hay tiêu cực thì đều đúng ở một khía cạnh nào đó. Sẽ luôn có điều đáng trách nhưng cũng có những điều đáng tuyên dương. Mà điều đáng tuyên dương là mấy ông giàu bự ấy lại là những kẻ làm từ thiện nhiều nhất, có nhiều công nghệ thay đổi thế giới nhất, có nhiều ông lại còn tìm nguồn sống khác ngoài thế giới cho chúng ta nữa kìa.

Vậy là lần đầu tiên trong cuộc nói chuyện, mình nhận được “like” từ người bạn này. Tin nhắn trả lời thì đến không lâu sau đó:

Ồ tớ cũng nhìn ra đc vòng lặp tham lam của con người, và thấy 2 mặt của một vấn đề rồi. Cảm ơn góc nhìn của bạn nhé!

>> Có thể bạn quan tâm:

Thế nào là một tranh luận lành mạnh?

2 chú mèo trò chuyện
3/2020, Kodak Vision2 100T

Sau cuộc “trao đổi” suôn sẻ với người bạn kia, mình có thêm nhiều suy nghĩ về những tranh luận và thấy rằng những tranh luận có ý nghĩa đang ngày một hiếm và quý giá hơn, nhất là khi mạng xã hội ngốn quá nhiều thời gian của mỗi người.

Giống như anh bạn trên, bản thân mình và nhiều người nữa chắc chắn mắc nhiều lỗi khi tranh luận một vấn đề. Thay vì phản biện, chúng ta lại chọn công kích bằng những quan điểm không liên quan. Tương tự thế, khi đưa ra quan điểm, chúng ta lại quên lập luận làm rõ và vững chắc quan điểm đó.

Ví như việc Messi bị đuổi khỏi sân do đánh vào mặt đối phương chẳng liên quan gì đến việc ai giỏi hơn giữa Messi và Ronaldo cả, nhưng người ta cứ thích lôi ra để bêu riếu vì đơn giản họ không thích Messi hay ngược lại. Hay việc bảo “Trump là một thằng ng*” chỉ cho chứng minh được đúng 1 điều bạn là anti-Trump không hơn.

Vì sao chúng ta thường mắc lỗi công kích thay vì phản biện?

Giải thích cho việc công kích thay vì phản biện, ngoài ảnh hưởng của định kiến thì mình thấy nó có tác động rất nhiều từ mạng xã hội nữa. Mọi thứ trôi qua quá nhanh trên mạng xã hội khiến người ta ngày càng lười phải nghĩ sâu và đánh máy lâu, nên họ chọn việc nhìn nhận cũng như trả lời mọi thứ một cách nông và chớp nhoáng hơn.

2 cách giúp cải thiện kĩ năng tranh luận

Có 2 cách giúp bạn cải thiện điều này và cả 2 đều yêu cầu bạn “đầu tư” nhiều thời gian hơn cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin, cũng như đưa ra quan điểm cá nhân mình.

1. Dùng mạng xã hội đúng cách

Thay vì chỉ lướt lướt giết thời gian, hãy chọn lọc những quan tâm của mình. Càng ít lựa chọn, càng có nhiều thời gian để bạn đầu tư suy nghĩ về nó. Ví dụ như bản thân mình khi vào Facebook, hầu như chẳng bao giờ mở Newsfeed mà chỉ kiểm tra thông báo và thi thoảng vào các hội nhóm nhiếp ảnh. Do đó, mình có nhiều những comment soạn kĩ càng hơn, đem lại nhiều giá trị hơn là chỉ like hay comment vu vơ “đẹp quá”!

2. Dành nhiều thời gian cho các cuộc gặp gỡ, trờ chuyện hơn

Đây là cơ hội để mài dũa kĩ năng giao tiếp. Lợi thế của nó là bạn không bị áp lực thời gian như lướt face (cố like hay comment cho xong feed này để còn xem feed khác), bạn có đủ thời gian để chống cằm suy nghĩ về câu nói của người đối diện trước khi đưa ra những quan điểm của riêng mình.

Hơn nữa là, giữa bạn bè với nhau sẽ chẳng có ai lên án những quan điểm cá nhân bạn, tất cả chỉ là những quan điểm thật thà và góp ý xây dựng.

Giữa chúng ta cần hơn nữa những cuộc tranh luận lành mạnh, điều đem đến giá trị, ý nghĩa thực sự cho các câu chuyện.

>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu #chcc! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status