Bé gái trưởng thành giúp mẹ khâu vá

Trưởng thành là khi bạn nhận ra nó không liên quan gì đến tuổi tác, cũng không phải khi bạn bước vào tuổi dậy thì. Nó là một thái độ và nhân cách có được bởi kinh nghiệm trong cuộc sống, là khi bạn giả tạo một nụ cười để người khác vui hơn, hạnh phúc hơn. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện ngắn để định nghĩa lại khái niệm về sự trưởng thành.

Có lần tôi theo phái đoàn đi công tác ở Delhi, India. Một khu vực đô thị lớn ở phía bắc của Ấn Độ. Nhìn người đông đúc qua lại, tôi đang nhâm nhi tách trà Masala Chai, và có ý định chụp lại vài tấm hình một góc công viên làm kỷ niệm.

Tôi để ý thấy một em bé khoảng 10 tuổi với bộ quần áo rách rưới và khuôn mặt đói khát. Em lặng lẽ trừng mắt nhìn phía bên kia đường. Tôi hướng theo ánh mắt của em. Bên kia có phần đông đúc hơn, chật kín người và những hàng rong bán các loại đồ ăn nhanh.

Cậu bé liên tục tập trung vào một cửa hàng đang bán bánh Paddu. Một món ăn nổi tiếng của Ấn Độ, là những viên bột gạo vo tròn được nướng lên. Có rất nhiều người đang mua và có vẻ vội vàng. Trong quá trình mua bán, một vài viên Paddu đã rơi xuống đất.

Em ấy đứng dậy ngay lập tức, băng qua đường, đến gần cửa hàng và nhặt các viên Paddu. Em quay trở lại nơi đã ngồi ban đầu. Vừa định ăn nhưng dừng lại, cân nhắc một lúc rồi bắt đầu chạy băng qua đường. Em chạy về phía khu ổ chuột ở gầm cầu gần đó với đôi chân trần trụi của mình. Nơi đó, một bé gái độ 7 tuổi đang ngồi thất thần chờ đợi. Có lẽ cha mẹ chúng đã đi ra ngoài làm việc.

Em ấy bẻ bánh Paddu thành nhiều mảnh và bắt đứa bé gái ăn. Sau đó, em ăn những mảnh vụn nằm trên mặt đất. Cố nở một nụ cười, rồi ngồi bên cạnh đứa em.

Bây giờ, với câu chuyện này, tôi muốn nhắc lại rằng sự trưởng thành không đo bằng tuổi tác. Cậu bé ấy đã thực sự trưởng thành để không trộm cắp, nói dối hay van xin, không ích kỷ mà quên mình, chăm lo cho em gái trước rồi mới nghĩ đến bản thân. Trong độ tuổi non nớt ấy nó đã trưởng thành bởi hoàn cảnh nghèo khó. Những trách nhiệm mà thằng bé phải gánh chịu đối với đứa em gái của mình. Nghịch cảnh của cuộc sống quả thật có ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng môi trường, và nhận thức của một người.

Sự trưởng thành là khi bạn học cách giảm bớt cái tôi của mình và nâng cao lòng tự trọng, ngừng đánh giá mọi người bằng vẻ bề ngoài của họ. Khi bạn nhận ra tuổi tác chỉ là một con số, nó không phải là thước đo một người sống như thế nào – có nguyên tắc, kỉ luật và nhân cách lành mạnh? Dù đang trải qua ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời, họ vẫn cố gắng tạo một nụ cười rồi bước tiếp thay vì hét lên và oán trách.

Trưởng thành là khi bạn không đi hẹn hò mù quáng chỉ vì mới vừa chia tay với ai đó. Bạn hiểu rằng đừng mong đợi từ một người mà mối quan hệ không lành mạnh. Thỉnh thoảng, tôi chứng kiến có những thanh niên Việt kiều cố tỏ ra thông minh khi nói chuyện bằng tiếng Anh với người chạy xe xích lô hoặc các chị bán hàng rong. Giả vờ và khoe khoang vốn kiến thức ít ỏi của mình.

Ngoại hình và tiền bạc quan trọng một cách không công bằng trong đời sống. Thực tế giống như thức tỉnh trong cơn lạnh mùa đông. Bạn sẽ không tìm thấy câu chuyện tình lãng mạn về một cô gái xinh đẹp và chàng trai nghèo khó ở đời thường. Một kẻ lang thang khốn cùng không tự nhiên tìm thấy cây đèn thần để làm cho anh ta trở nên giàu có. Ngay cả những câu chuyện thiếu nhi cũng vô thức ủng hộ sự thật đáng buồn này.

Vài năm trước, tôi đang ngồi ở quán ăn đường phố tỉnh Kiên Giang. Một cậu bé khoảng 11 tuổi, đầu tóc bù xù, mặt lấm tấm mồ hôi, quần áo rách nhiều chỗ. Trên tay em có vài chiếc giỏ đan bằng tre. Cố gắng bán giỏ của mình, em đi hết người này đến người khác, một số từ chối cách lịch sự, một số đuổi em đi hoặc chỉ phớt lờ.

Sau đó, em ấy đến với tôi và bằng một giọng đầy hy vọng hỏi “Chú có muốn những chiếc giỏ này không? Con sẽ bán hai chiếc với giá năm mươi ngàn. Đây là mức giá rẻ nhất. Chúng rất bền và chú có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau rất ổn”.

Kiểm tra một chiếc trong tay, tôi hỏi “Con đã làm những cái giỏ này?”

“Không” Em trả lời ngay lập tức, “Mẹ con dệt chúng, và chị con có giúp.”

“Còn cha của con?” Tôi hỏi thêm.

Sự đau buồn hiện rõ trên khuôn mặt ngây thơ của em, “Ba con đã mất năm ngoái vì bệnh Lao.”

“Ồ! Chú xin lỗi.” Thay đổi chủ đề, tôi hỏi, “Con đang học lớp mấy?”

Với một nụ cười, em ấy trả lời, “Khi còn sống Ba thường cho con đi học. Nhưng giờ con phải lo cho gia đình.”

Tôi đã mua giỏ, và sau khi trả tiền, tôi trao lại 2 cái giỏ cho em và nói, “Chú đã mua chúng rồi. Nhờ con bán lại cho người khác và dùng tiền mua bánh cho Mẹ và chị của con”. Tôi đã không dám tự tiện cho tiền vì sợ làm tổn thương lòng tự trọng của em.

Em cầm tiền cảm động và chạy về phía góc khuất của một ngõ hẻm, nơi mẹ và chị đang ngồi đan và bán giỏ ở đó. Khuôn mặt họ rạng ngời niềm vui khi nhìn thấy em mở túi lấy tiền đưa ra. Cuộc sống đã khiến cậu bé này trưởng thành vượt bậc so với những đứa trẻ đang ngồi trong lớp học. Em ấy không nhờ ai giúp đỡ nhưng với tinh thần tự tôn, em đã nỗ lực hết mình để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của gia đình.

Trưởng thành là bạn không cằn nhằn về mùi vị của thức ăn Mẹ đã nhọc nhằn trong bếp. Hãy nhớ rằng Mẹ chưa bao giờ có ngày nghỉ, và công việc của người không bao giờ hết. Bạn biết điều này, phải không? Mẹ KHÔNG đếm ngược những ngày còn lại cho đến khi về hưu. Đó là bởi vì Mẹ KHÔNG BAO GIỜ nghỉ hưu. Khi Mẹ pha cho bạn tách cà phê nóng vào sáng sớm, và bạn bắt đầu nhìn thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt của người. Hãy ôm Mẹ thân yêu và nói, “Con yêu Mẹ, con sẽ luôn yêu Mẹ. Ngày hôm nay nhiều hơn hôm qua, và nhiều hơn mỗi ngày sau đó”. Hãy nhớ rằng bất kỳ lời cảm ơn nào mà bạn dành cho Mẹ sẽ luôn là muộn màng và không đủ.

Khi còn trẻ, tôi không biết nghĩ nhiều. Những tưởng Mẹ làm việc và chăm sóc gia đình là điều hiển nhiên, không có lời phàn nàn nào từ người. Bây giờ “lớn lên”, tôi nhận ra Mẹ là người phụ nữ luôn giữ danh hiệu vĩ đại nhất trên cuộc đời này. Luật đời nói rằng, Mẹ bắt buộc phải nuôi các con cho đến khi chúng đủ 18 tuổi trở lên. Nhưng Mẹ đã cho chúng tôi nhiều hơn, rất nhiều hơn. Mẹ chưa bao giờ ngừng là Mẹ, không có huy chương nào cho công việc này. Sự thành công và viên mãn của Mẹ là nhận ra rằng các con mình được khoẻ mạnh, hạnh phúc và thành tựu.

Tôi không thể nào hình dung tất cả yêu thương người đã dành cho các con. Mẹ lúc nào cũng ở đó cho dù chỉ là những vấn đề đơn giản nhất trong cuộc sống. Luôn động viên và khuyến khích chúng tôi. Mẹ là nhà tâm lý học, đầu bếp, thợ giặt, tài xế riêng, trọng tài, vợ và người giúp việc trong gia đình v.v. Với danh sách vô tận những việc cần phải hoàn thành, niềm vui duy nhất của Mẹ chính là hạnh phúc của chúng tôi. Cho nên tôi muốn kết thúc bài viết này bằng lời nhắn nhủ, “Nơi tốt nhất để khóc và an toàn nhất là trong vòng tay của mẹ. Nếu bạn chưa yêu thương Mẹ đủ, thì rõ là bạn chưa đủ trưởng thành”.

Bài viết nổi bậtXem thêm

2 thoughts on “Trưởng Thành (Mature)

  1. Con Hình Con Chữ says:

    Hi anh Mark, em xin phép thay hình ảnh bằng hình em sẵn có để không cần phải dùng ảnh của Pixabay nữa anh nhé! Đã từng đọc bài viết này trên FB của anh, giờ đọc lại vẫn không thôi cuốn hút. Rất yêu thích những chia sẻ từ kinh nghiệm sống của anh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status