Có 2 người nổi tiếng mà mình mến mộ sâu đậm nhất, và cái chất của họ thì vừa ăn nhập và cũng thay đổi con người mình nhiều nhất, đó là danh hài Jim Carrey, và học giả Oscar Wilde.

Oscar Wilde & Jim Carrey Web

Chân dung Oscar Wilde (Trên) và Jim Carrey (Dưới)

Nếu như Jim Carrey lần đầu thu hút mình bằng những trò hài quái đản, dở người, thì sau này mình thích cách ông dí dỏm cười với đời, vừa hài hước tuột độ, vừa sâu cay, thâm thúy. Có lúc ông tự cười vào mặt mình nhưng hoá ra đấy là cách ông cười xã hội. Có những chia sẻ về triết lý cuộc đời, hoá ra là đúc kết từ những thăng trầm cuộc sống. Bây giờ, mỗi lần thấy Jim Carrey phát biểu mình lại thôi tin vào tràng cười ông đang tạo ra, bởi mình biết ẩn sâu trong đó là tính ẩn dụ nửa cười, nửa chê, nửa răn dạy của con người này.

Mình còn trẻ, chưa hiểu biết nhiều, nhưng nhìn cách Jim Carrey nhìn đời để đối đáp có thể thấy được ở đời, có những niềm vui bị lấp lấy bởi những cái buồn, nỗi trăn trở. Rằng, dẫu ta luôn mỉm cười, đùa vui, sống tích cực, thì thực tế cũng có nhiều góc khuất ta cố che đi, mà người đời thì không phải ai cũng đủ sâu sắc, tinh tế để thấy được. Nhiều người trong số họ cứ tưởng ta vui vẻ, nền nã thì cho rằng có thể thoải mái nói hay làm mấy việc quá quắt, gây tổn thương. Đối với những loại người này, ngoài nhắm mắt làm ngơ, giả khờ, thì mình chẳng biết làm gì hơn.

Còn về Oscar Wilde, lần đầu mình biết đến ông là khi xem phim truyện “Bức tranh của quỷ”, chuyển thể từ tiểu thuyết duy nhất của ông, Picture of Dorian Gray. Sau đó không lâu, trong tài liệu học môn “Văn học Anh-Mỹ” trên trường, mình cũng có biết đến tác phẩm và tác giả Oscar Wilde thì thực sự yêu thích ông, người mà nhiều khi mình vẫn thường tôn kính gọi là ngài.

Đọc các tác phẩm của Wilde, mình thực sự hứng thú như đang thưởng thức một món quà bất ngờ, cứ mở từng lớp giấy gói quà lại thấy thêm một hứng thú mới. Hết câu này, rồi tới ý khác, rồi tổng thể cả đoạn văn, cả chương, cả cuốn sách chứa đựng cách ông chơi với ngôn từ điêu luyện và hoa mỹ. Rồi khi hoàn thành tác phẩm thì nhận thấy tầng tầng, lớp lớp ý nghĩa, quan điểm khiến ta nghiền ngẫm ngày qua ngày.

Nếu như Picture of Dorian Gray là tác phẩm gây ấn tượng đầu tiên, mình yêu thích De Profundis nhất – đây là tập thư Oscar Wilde viết cho người tình trong khoảng thời gian bị giam trong tù. Qua De Profundis, Wilde thể hiện cái tôi cao cả, đồng thời trách móc qua cách tu từ thông minh nhưng ngoa ngoắt bên trong. Nhiều khi mình nghĩ, nếu được Oscar Wilde chửi qua ngôn từ, thì đó cũng đã là một niềm hạnh phúc ở đời!

Ở Jim Carrey và Oscar Wilde, mình trở nên thần tượng cái cách thách thức người đời một cách dí dỏm, mỉa mai, và cách họ đặc biệt quan tâm đến nỗi buồn, nỗi khổ của bản thân (mà điều này thì họ chẳng cần thể hiện một cách rõ ràng).

Kết thúc bài này, xin trích một đoạn từ tác phẩm De Profundis của Oscar Wilde, một đoạn mà mình thấy như một chân lý sống vậy: “Thâm tâm anh đang tìm kiếm cho ra cái sự nhận thức đúng đắn về bản thân. Đó là tất cả những gì anh quan tâm tới. Và điều đầu tiên anh phải làm là giải phóng mình khỏi cảm xúc hờn ghét thế gian này.”

Bài viết nổi bậtXem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status