Rất nhiều người tìm đến mình để hỏi về việc “Tôi muốn tập chụp ảnh, chọn máy nào chụp cho tốt?” Trước một câu hỏi như vậy, mình chưa bao giờ cho họ một câu trả lời ngay được, mà sẽ quay ngược lại giúp họ tự hỏi và trả lời “Liệu mình đã đủ yêu nhiếp ảnh để mua một chiếc máy ảnh chưa?” hay “Mình đã tận dụng máy ảnh điện thoại hết mức chưa?”, “Mình có tự thấy ảnh chụp trên điện thoại đẹp chưa?” Nếu câu trả lời là chưa, thì rõ ràng họ tự biết mình chưa nên phí tiền mua máy ảnh làm gì bởi có một sự thật đắng lòng là người mới chụp mà dùng máy ảnh sẽ thất vọng và nhụt chí vô cùng khi mang thành phẩm đó so sánh với ảnh từ một chiếc điện thoại.
Vậy hôm nay mình sẽ không bàn nhiều về máy ảnh đâu, mà sẽ chia sẻ bí kíp 7 yếu tố giúp bạn chụp ảnh điện thoại đẹp. Có đẹp rồi thì bạn mới yêu nhiếp ảnh hơn, và đầu tư khôn ngoan hơn cho thú vui của mình. Và bí kíp này chỉ có một từ thôi “Bố cục”.
Vậy bố cục là gì? Gồm những gì? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Bố cục là gì? (Composition)
Bố cục là các thành phần, yếu tố trên một bức ảnh được sắp đặt có chủ ý của người chụp, để khiến cho bức hình đẹp hơn (hoặc cũng có thể xấu hơn). Những thành phần này có thể là đường dẫn, yếu tố màu sắc, hình học, sự cân bằng của các thành phần, ánh sáng,… Tạm dừng tại đây vì nó bao gồm vô cùng nhiều yếu tố, liệu có kể ra thì rồi mọi người cũng sẽ quên. Hơn nữa, khả năng nắm bắt được bố cục đến từ một con đường dài của sự trải nghiệm, tìm tòi, và quan sát; càng làm những việc đó nhiều và lâu, bạn sẽ càng hình thành một thứ tư duy mang tính bản năng, khó có thể định nghĩa.
Dưới đây, mình sẽ chỉ xin phép giới thiệu về một vài yếu tố để bạn bắt đầu làm đẹp hơn cho những tấm hình trên điện thoại.
1. Góc nhìn, góc máy (Tiếng Anh: Perspective)
Mình còn nhớ cái hồi các lens phụ kiện cho điện thoại nổi đình nổi đám lên bởi vì ảnh cho ra rất lạ và hay. Thế là mình cũng phải đua đòi order một bộ về mà nghịch. Đúng là danh bất hư truyền. Gắn thử cái lens góc rộng (wide-angle, rồi đến lens mắt cá (fish-eye), ôi dồi ôi, nó đẹp mê!) (Đấy là mình nghĩ thế). Vì sao nó đẹp?

Con người ưa thích những gì lạ và mới (chẳng thế mà mấy ông có vợ rồi, vẫn cứ tòm tem những em xinh tươi -> Bởi vì nó lạ!). Khi chụp ảnh điện thoại trở nên quá nhàm chán, mấy thứ lens góc rộng đã khiến những bức hình của mình trông lạ hơn, và nó đẹp lạ, mà hồi đó chẳng hiểu tại sao. Bây giờ mới nhận ra, đó hóa ra chỉ là một tác động tâm lý. Haizzz!
Hồi iPhone giới thiệu chế độ chụp toàn cảnh panorama hay Samsung giới thiệu những camera góc siêu rộng, lại là những làn sóng dữ dội làm thức tỉnh tình yêu nhiếp ảnh của bất cứ người dùng smartphone nào. Bởi trước giờ những bức hình họ chụp nhìn rất bình thường, thì nay nhìn thật lạ. Thế là họ thích.
Lấy ví dụ đó để cho mọi người thấy rằng, yếu tố mới lạ tác động vào thị giác đã khiến những bức ảnh trở nên thu hút như thế nào.
Vậy khi bạn thay đổi các góc máy (trên cao, dưới thấp, ngang mắt, sử dụng chế độ góc rộng, sử dụng chế độ chân dung,…) để làm khác đi thứ ta thấy thường ngày, thứ người khác thấy thường ngày, sẽ khiến bức ảnh trở nên lạ hơn và đẹp hơn. Và đó là cách bạn chụp ảnh điện thoại đẹp chỉ bằng cách thay đổi cách mình nhìn mọi vật.
2. Chủ thể chính (Tiếng Anh: Subject)
Đây là một lỗi đặc biệt phổ biến với những người đi du lịch. Họ thấy cảnh đẹp là họ chụp; thấy màu mè, cảnh hoa lá cảnh đầy đủ cả nên họ thấy ưng. Nhưng mà do thiếu quan sát và ham lấy nhiều cảnh mà mọi người quên chọn lấy một điểm nhấn là chủ thể chính.
Một bức hình không có chủ thể chính sẽ khiến mắt người xem bị lạc, không biết là mình nên tập trung vào đâu.

Mẹo của mình để luyện chọn chủ thể là hãy tìm hiểu về bố cục 1/3 và bắt đầu chụp từ những thứ đơn giản nhất, rồi nâng dần lên chụp những bối cảnh phức tạp hơn. Ví dụ chụp Một quyển cây bút hay một cục tẩy trên nền trắng, rồi chụp dần với tất cả dụng cụ học tập trên bàn. Hay, chụp một bông hoa, rồi tiến đến chụp cả một vườn hoa, một đồi hoa,…
3. Đường dẫn (Tiếng Anh: Leading lines)
Đường dẫn đóng vai trò hướng mắt người xem tới với chủ thể. Càng luyện tập nhiều thì khả năng phát hiện và tận dụng đường dẫn càng sắc bén; chắc chắn bạn sẽ chụp ảnh điện thoại đẹp hơn với đường dẫn. Đọc bài này để tìm hiểu thêm về đường dẫn và cách tận dụng đường dẫn.

4. Tạo chiều sâu cho ảnh (Tiếng Anh: Depth)
Đây là yếu tố mê hoặc mình nhất khi chụp ảnh. Ý mình là, đôi khi mình trở nên bị ám ảnh (tới cực đoan) với yếu tố này đến độ hầu hết hình chụp ra phải tạo chiều sâu.
Chiều sâu là gì? Nói đơn giản là một hình ảnh khiến cho ta cảm nhận được không gian nhiều lớp thay vì một mặt phẳng.
Trong hầu hết các tấm hình, mình có một mẹo là chia bối cảnh ra 3 phần: Tiền cảnh (Foreground) – Trung Cảnh (Middle ground) – Hậu cảnh (Background). Phần lớn (không phải luôn luôn) chủ thể sẽ nằm ở phần trung cảnh, khi đó những thành phần ở tiền cảnh và hậu cảnh sẽ tô điểm thêm cho chủ thể.

Ví dụ khi chụp chân dung, mọi người thường chọn chế độ xóa phông (Portrait). Khi đó cái nền phía sau (Hậu cảnh) bị xóa đi rồi sẽ làm nổi lên chủ thể (Trung cảnh), tạo không gian có chiều sâu. Nếu khi đó, bạn chọn một nhành hoa để trước ống kính (Tiền cảnh), sẽ tạo thêm hiệu ứng đẹp và sâu hơn nữa.
Trong nhiếp ảnh đường phố, có một kiểu chụp mà mọi người gọi là chụp layers (Mình tạm dịch là: Nhiều lớp nhân vật). Có thể hiểu, chụp layers là làm sao để nhìn vào hình, người ta bị cuốn hút bởi nhiều lớp nhân vật, mặc dùng chúng đặt trong cùng một khung ảnh, vậy mà cứ như từ nhiều tấm ảnh khác nhau ghép lại. Đó không phải chiều sâu thì là gì?
Mình chưa có tấm chụp layers nào ưng ý, nhưng quan sát ảnh của các nhiếp ảnh gia khác thì có thể đúc kết được rằng, nên chọn ra 3 hoặc nhiều hơn nhân vật cho khung hình của mình và tìm khoảnh khắc quyết định khi mọi thứ đúng vào đúng chỗ của nó.
>>> Đọc nhiều hơn tại đây: 8 cách tạo chiều sâu cho ảnh & Những lưu ý, kinh nghiệm
5. Cân bằng (Tiếng Anh: Balance)
Cân bằng nên được hiểu là cảm giác về độ nặng của các thành phần trong hình không quá lấn át nhau. Mình hay gọi cảm giác mất cân bằng là bị lệch trái, lệch phải, nặng trên, hoặc nặng dưới.

Để loại bỏ cảm giác thiếu cân bằng, bạn nên có cảm giác về không gian và cách sắp xếp bố cục tốt và không có cách nào khác ngoài luyện tập.
Để chụp ảnh điện thoại đẹp yêu cầu sự hài hòa giữa các thành phần trong ảnh, luyện tập sự cân bằng giúp ích cho điều này.
6. Ánh sáng (Tiếng Anh: Light)
Có ai đó từng nói với mình là bộ 3 yếu tố để có một bức ảnh đẹp là: cảm xúc, ánh sáng và cái thứ 3 là gì thì mình quên béng mất rồi. Nói vui vậy thôi, sự quan trọng của yếu tố ánh sáng trong nhiếp ảnh thì ai cũng nghe qua rồi.
Có 2 loại ánh sáng là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Chụp ảnh bằng điện thoại thì nên tận dụng ánh sáng tự nhiên vì nó cung cấp đủ sáng, do vậy mà chất lượng ảnh không bị giảm sút.

Mọi người thường hay khuyên chúng ta nên chụp ảnh vào giờ vàng – khoảng thời gian 1 tiếng trước và sau bình minh hoặc hoàng hôn. Đó là bởi khoảng thời gian này, mặt trời tỏa ra lượng ánh nắng dịu nhất.
Nếu trời nắng gắt mà bạn lại muốn chụp chân dung hoặc chủ thể nào đó được thì nên di chuyển chủ thể vào trong bóng râm để chụp, tránh trường hợp nắng làm nhíu mắt mẫu hoặc tạo bóng quá gắt lên mặt.
101 mẹo tạo dáng
7. Khả năng kể chuyện của ảnh (Tiếng Anh: Storytelling)
Nếu các yếu tố trên giúp bức ảnh trở nên đẹp hơn về thị giác, khả năng kể chuyện của ảnh mang đến ý nghĩa phía sau một bức ảnh. “Một bức ảnh đáng giá ngàn lời nói” là như thế.

Và, nếu các yếu tố trên là những viên gạch, thì khả năng kể chuyện có thể được xem là một ngôi nhà. Hãy vận dụng những yếu tố dàn dựng bố cục để tạo dựng một câu chuyện. Thêm là, nếu một tấm ảnh chưa thể kể hết câu chuyện bạn muốn kể, bạn có thể chọn chụp thêm những tấm hình có cùng không gian, chủ đề như vậy, tạo thành một bộ ảnh kể chuyện.
Chụp ảnh điện thoại đẹp cũng không quá khó phải không nào?
Kết
7 yếu tố ở trên không nhất thiết lúc nào cũng phải áp dụng. Một bức ảnh đôi khi chỉ cần sử dụng 1-2 yếu tố và kết hợp chúng hài hòa với nhau là trở nên đẹp rồi.
Trong nhiếp ảnh, nhiều người vẫn thường khuyên là “quy tắc sinh ra để phá vỡ”. Có những tấm ảnh đẹp, lạ thay, là những tấm đi ngược lại với những gì được viết phía trên. Nhưng nó là câu chuyện của những người đã nắm rất vững rồi, họ mới phá vỡ quy tắc theo ý đồ riêng của họ. Hãy trau dồi, ngâm cứu thật kĩ bí kíp 7 yếu tố giúp bạn chụp ảnh điện thoại đẹp, đến khi thật nhuần nhuyễn rồi bạn sẽ tự biết sao để biến nó thành bản năng hoặc phá vỡ những quy tắc đã được đặt ra.
P.s: Những bức ảnh trên, ngoại trừ bức cô bán bánh cuốn Cao Bằng, đều là những hình ảnh mình chụp người thân trong gia đình. Vậy, mình tặng kèm thêm một bí kíp nữa là hãy bắt đầu chụp với những người, những thứ gần gũi nhất với mình, bạn nhé!
>>> Hãy kết nối với mình qua các mạng xã hội tại địa chỉ hashtag #conhinhconchu nhé! Rất vui được chia sẻ cùng mọi người!

Xin chào, tôi muốn biết giá của bạn.
Không hiểu bạn hỏi giá ý là sao?